Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, SN 1959) không có tên trong danh sách thi và cấp bằng bổ túc văn hoá cấp 3, khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM, nhưng vẫn thuận lợi hoàn thành bậc cử nhân Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Hà Nội và tiến sĩ tại trường Đại học Luật Hà Nội.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các đơn vị chức năng cần làm rõ vấn đề bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Thích Chân Quang từ đâu mà có, động cơ làm giả là gì. Nếu cần thiết thì nên rà soát lại toàn bộ quá trình học từ tiểu học đến đại học, tiến sĩ của ông Thích Chân Quang để có kết quả thoả đáng về quá trình đào tạo, chất lượng thực sự.

"Rất hiếm chuyện có người trùng tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, khả năng bằng giả là rất cao", TS Vinh nói.

leftcenterrightdel
 Ông Thích Chân Quang

Vị này cũng nhấn mạnh, hành vi cố tình làm giả giấy tờ để qua mặt các cơ quan chức năng chuyên môn, quản lý là tội có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Dù là bất kỳ ai đều công bằng trước pháp luật, làm sai ở đâu, xử phạt đến đó. 

Bằng tốt nghiệp THPT (trước đây gọi là bằng cấp 3) là điều kiện tiên quyết cho tất cả quá trình học tập lên cao sau này. Muốn học lên cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ đều cần có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu xác định bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang là giả thì các trường đại học, cơ sở đào tạo cần lập tức thu hồi tất cả bằng tốt nghiệp đã cấp, "đơn vị nào cấp, đơn vị ấy chịu trách nhiệm thu hồi".

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm yêu cầu thu hồi và giám sát quá trình thực hiện của các trường đại học, các cơ sở đào tạo đã cấp bằng.

Ông Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra "lỗ hổng chết người" trong kiểm duyệt văn bằng, chứng chỉ trong quản lý, tổ chức đào tạo bậc đại học, sau đại học. Về quy định, các trường đại học không có chức năng thẩm định, kiểm tra độ thật giả bằng cấp của người học. Chỉ khi nào có khiếu nại, tố cáo thì các trường mới lập hội đồng xem xét, kiểm tra. Từng nhiều trường hợp lợi dụng lỗ hổng này để sử dụng bằng cấp giả.

Cùng đó, trên thực tế, qua quá trình dạy học, tiếp xúc học viên, các thầy cô giảng viên là người hiểu rõ nhất năng lực của học trò. Một người chưa tốt nghiệp cấp 3 thì không thể nào có đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành khoá luận tốt nghiệp đại học, luận án tiến sĩ.

"Các trường đào tạo cho người hổng kiến thức mà vẫn cấp bằng được thì quả thật 'quá siêu nhân'", ông nói và cho rằng các trường đại học, cơ sở đào tạo có trách nhiệm trong việc để lọt những sử dụng bằng giả, thể hiện sự dễ dãi trong đào tạo, đánh giá học viên.

Nguyên vụ trưởng cũng đặt nghi vấn, các trường đại học liên quan có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra của học viên. 

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu ông Thích Chân Quang chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3, các trường đại học cần khẩn trương thu hồi bằng tốt nghiệp cử nhân, tiến sĩ. Ông Thích Chân Quang sẽ không được công nhận kết quả học tập nào.

Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục đại học tự phát hiện ra bằng không hợp pháp của người học là điều không dễ dàng bởi mắt thường khó nhận biết được, chưa có hệ thống văn bằng đồng bộ trên cả nước.

"Trước đây, khi tôi còn làm Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, nếu có người đến tố trường hợp nào đó sử dụng bằng đại học giả, tôi sẽ tra sổ cấp phát văn bằng xem có tên trong sổ hay không là ra ngay thật hay giả", tiến sĩ Khuyến nói.

leftcenterrightdel
 Nghi vấn ông Thích Chân Quang dùng bằng cấp 3 giả

Ngày 14/8, Bộ GD&ĐT thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cấp 3 cho ông Thích Chân Quang. Bộ bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xác minh đây có đúng là văn bằng của ông Thích Chân Quang hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Thích Chân Quang sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Đại diện trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ.

Vấn đề các văn bằng đã cấp bị thu hồi, hủy bỏ trong trường hợp nào được dư luận quan tâm sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin không có tên ông Thích Chân Quang trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Đồng thời, tên ông Thích Chân Quang cũng không có trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Không chỉ bằng cấp 3, thời gian qua, ông Thích Chân Quang qua gây xôn xao dư luận khi liên quan đến các vấn đề bằng cấp. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh năm 2001 tại trường Đại học Ngoại ngữ - nay là trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp cử nhân ngành Luật năm 2019 tại trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm), xếp hạng loại giỏi.

Đến ngày 26/11/2019, ông Thích Chân Quang trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của trường Đại học Luật Hà Nội. Chỉ sau hơn 2 năm, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường.

Nguồn vtcnews
Link bài gốc

https://vtcnews.vn/can-ra-soat-toan-bo-bang-cap-ong-thich-chan-quang-sau-nghi-van-bang-cap-3-gia-ar889115.html