Sử dụng trái phép hình ảnh người khác
Một nữ TikToker, YouTuber người Việt tại Mỹ khá nổi tiếng với hơn 5 triệu lượt theo dõi, từng đăng một video trên mạng nói về việc hình ảnh của cô bị người khác “vô tư” sử dụng. Đó là những hình ảnh của cô khi về Việt Nam bị người khác quay trộm đăng lên TikTok với nhiều mục đích không hay và nhận về hàng trăm nghìn lượt thả tim ở trên ứng dụng TikTok, bất chấp “nhân vật chính” trong ảnh là cô có đồng ý hay không.
Hiện nay, một nội dung TikTok đang nhận được nhiều lượt xem là danh sách những cô gái xinh đẹp trên TikTok, với tiêu đề như “Top những cô gái đẹp nhất trên TikTok Việt Nam” có hơn sáu mươi nghìn lượt xem. Các cô gái này được nhiều tài khoản TikTok liệt kê thành một danh sách, có hình ảnh và thông tin cá nhân và được coi như “món đồ” để những người khác đánh giá, bình phẩm, lựa chọn ở trên mạng xã hội…
Mặt khác, một số video trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh về hình thể, nhan sắc của nữ giới thường nhận được rất nhiều lượt xem. Trong cuộc thi The Face Vietnam năm 2022, một nữ thí sinh sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên TikTok từng chia sẻ với Ban Giám khảo: “Các video nhận được nhiều lượt tương tác nhất, là khi em nở nụ cười”. Thí sinh cũng thừa nhận, xinh đẹp là một lợi thế của cô. Điều đó dường đang tạo ra một khuôn mẫu, định kiến về giới, là người phụ nữ bắt buộc phải đẹp, gợi cảm, hấp dẫn. Chính vì vậy, hiện nay, không ít video TikTok trên mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh của các cô gái mặc những bộ váy ngắn để nhảy múa, nhằm thu hút lượng tương tác để quảng cáo sản phẩm hoặc quảng bá thương hiệu cá nhân.
Điều này đang dẫn đến quan niệm sai lầm trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ đối với phụ nữ. Họ không đánh giá một cách công tâm về tài năng, trí tuệ của phái nữ. Như câu chuyện về cầu thủ bóng đá Thanh Nhã trong SEA Games 32 vừa qua đã bị “quấy rối” trên mạng xã hội. Cô chỉ được một số cổ động viên trên mạng để ý tới ngoại hình, vóc dáng, chứ không đánh giá về tài năng của bản thân. Hoặc như cô gái mang tên N.B đã bị nhiều người lấy hình ảnh làm trò đùa ác ý trên mạng xã hội vì khuôn mặt lệch chuẩn...
Với số lượng lớn người dùng TikTok trong độ tuổi từ 14 - 30, những hình ảnh, câu chuyện về người trẻ thường nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, việc quay lén, ăn cắp video, hoặc tạo những clip phản cảm từ hình ảnh người phụ nữ cần bị lên án.
Bảo vệ phụ nữ trên mạng xã hội
Hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm được ban hành để siết chặt quản lý thông tin trên mạng xã hội, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng… Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng có những quy định về hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; Quy định không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
|
|
Nữ giới cũng là nhóm yếu thế cần sự giúp đỡ |
Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030” đã nhấn mạnh việc ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi xâm hại quyền riêng tư của thanh niên, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa, các trò chơi trực tuyến có yếu tố bạo lực, trái với truyền thống văn hóa dân tộc, thuần phong, mỹ tục của dân tộc trên không gian mạng…
Từ thực tế về việc lạm dụng hình ảnh của phụ nữ trên mạng xã hội, có thể thấy, nữ giới cũng là nhóm yếu thế cần sự giúp đỡ, quan tâm từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền nhân thân của họ, cũng như làm cho mạng xã hội phát triển văn minh, lành mạnh hơn.
Phát biểu tại Hội thảo chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng” do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức cách đây không lâu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Xã hội cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc.
Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng Internet, mạng xã hội; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng, từ đó tạo lá chắn phòng, chống hữu hiệu. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin có hại; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm.
Các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng các sổ tay hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ trên không gian mạng.