Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật này được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực.
Tại điều 9 dự thảo quy định về quy tắc chung, Bộ Công an đề xuất cấm trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m ngồi ở hàng ghế trước của ô tô con, đồng thời trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách).
Nội dung này hoàn toàn mới so với luật Giao thông đường bộ năm 2008, bởi hiện hành chưa có quy định bắt buộc về độ tuổi, chiều cao cũng như vị trí ngồi của trẻ em trên ô tô.
Nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết đề xuất trên được đưa ra sau khi Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. "Một số nước còn áp dụng độ tuổi cao hơn", ông nói.
|
|
Việc trẻ em ngồi ghế sau trên ô tô được đánh giá an toàn hơn |
Theo đại tá Nhật, trẻ em thường hiếu động, không tự bảo vệ được mình và có thể làm người lái xe mất tập trung. Chưa kể, những thiết bị an toàn trên xe (dây an toàn, túi khí…) được thiết kế dành cho người có chiều cao phù hợp, vì thế nếu trẻ em còn nhỏ sẽ không thể phát huy hiệu quả.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Bộ Công an đề xuất giới hạn về độ tuổi và chiều cao của trẻ khi ngồi ghế trước ô tô cũng như yêu cầu về trang bị ghế an toàn cho trẻ. Riêng trường hợp di chuyển bằng xe kinh doanh vận tải hành khách, do trẻ đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ và được những người này bảo vệ trong quá trình tham gia giao thông, nên luật không điều chỉnh.
Đồng tình về sự cần thiết ban hành các quy định đối với trẻ em ngồi trên ô tô khi tham giao thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN thậm chí còn đề nghị nâng độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước từ 10 lên 12 tuổi, độ tuổi trẻ em phải trang bị ghế chuyên dụng từ 4 lên 6 tuổi.
|
|
Bên cạnh đề xuất trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông cũng đề xuất về tuổi của người điều kiện phương tiện giao thông tại Điều 40 dự thảo |
Dẫn chứng các nghiên cứu quốc tế, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN cho hay trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí ô tô có thể bung ra với vận tốc 300 km/giờ. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được tác động này, nhưng với trẻ nhỏ sẽ rất dễ tổn thương vì phần lưng và cổ trẻ rất yếu. Ngoài ra, xét về cấu trúc sinh học, trẻ dưới 6 tuổi có tỷ lệ phần đầu lớn so với cơ thể, khó giữ thăng bằng hơn người lớn, vì thế trẻ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra, dẫn tới chấn thương.
Tương tự, dây an toàn có tác dụng rất lớn trong việc giảm chấn thương khi gặp va chạm. Tuy nhiên, dây an toàn chỉ thực sự hiệu quả đối với người có chiều cao từ 1,48 m trở lên. Nếu trẻ có chiều cao thấp hơn, dây an toàn không giữ được cơ thể của trẻ, không những không giúp an toàn mà còn có thể xảy ra chấn thương bởi chính dây an toàn.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Việt Cường (Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng) dẫn nghiên cứu của đơn vị này được thực hiện từ năm 2021 đến nay, cho thấy có tới 22,8% ô tô có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ em ngồi ghế trước chung với người lớn; đặc biệt là mới có 1,3% ô tô sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.
Thực tế trên rất nguy hiểm khi không may xe gặp tai nạn. Vì vậy, ông Cường cho rằng, cần siết chặt hơn so với dự thảo của Bộ Công an, theo hướng trẻ em cao dưới 1,35 m hoặc dưới 12 tuổi không được ngồi ở ghế trước, đồng thời phải được trang bị thiết bị an toàn dành cho trẻ em.
Xử phạt có khó?
Dù ủng hộ về mặt chủ trương, tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, bày tỏ băn khoăn đề xuất của Bộ Công an khi áp dụng vào thực tế có khả thi hay không.
|
|
Tại Anh, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 135 cm vẫn phải ngồi trong ghế an toàn dành riêng cho trẻ em, lắp đặt ở hàng ghế sau. Ảnh: Diplomathon |
Thứ nhất, với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, không phải bất cứ người dân nào cũng đủ khả năng tài chính ngay lập tức sắm các trang bị an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô tô. Ngoài ra, với nhận thức về pháp luật nói chung, về an toàn giao thông nói riêng như hiện nay, nhất là vùng sâu, vùng xa, liệu người dân có nghiêm túc chấp hành?
Thứ hai, lực lượng chức năng có gặp khó khăn khi kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm? Bởi lẽ, việc xác định độ tuổi của trẻ em không phải khi nào cũng dễ dàng, ví dụ trường hợp cha mẹ không mang theo giấy tờ tùy thân của trẻ. Tương tự, việc xác định chiều cao của trẻ sẽ thực hiện ra sao, nếu dùng thước đo thủ công thì có chính xác…?
Từ những phân tích trên, ông Liên khẳng định đề xuất của Bộ Công an rất nhân văn, tiến bộ nhưng có thể chưa phù hợp để áp dụng ngay ở thời điểm hiện tại. Ông cho rằng nên tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trước, khi đã đủ điều kiện cả về kinh tế - xã hội và ý thức chấp hành thì áp dụng. Như vậy, quy định sẽ khả thi và hiệu quả hơn.
Ở góc nhìn khác, chị Hà Thị Phượng (trú Hà Nội) hoan nghênh đề xuất như trong dự thảo. Dù vậy, chị đề nghị nên có quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật, chủng loại, cách thức lắp đặt… đối với ghế dành riêng cho trẻ em. Hiện nay, trên thị trường quảng cáo rất nhiều mẫu ghế, có sự khác nhau về giá cả, mẫu mã, chất lượng. Nếu không có quy định cụ thể, người dân sẽ gặp khó trong việc thực hiện sao cho đúng.
Liên quan việc xử phạt vi phạm có khó hay không, đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định chỉ cần luật quy định thì lực lượng CSGT sẽ có đủ biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý. Ông nhắc lại quy định trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm cũng từng nhận được thắc mắc về việc xác định độ tuổi như thế nào để xử phạt; trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn có thể kiểm tra, xử lý như bình thường.
Với quy định về độ tuổi hoặc chiều cao của trẻ khi ngồi trên ô tô, CSGT cũng sẽ thực hiện như vậy. "Quan trọng hơn hết, đó là nhận thức của chính các bậc phụ huynh. Họ phải có ý thức bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho con em mình. Mục đích cuối cùng của quy định là hướng đến điều này", đại tá Nhật nhấn mạnh.