Theo kết luận mới ban hành về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị nêu hàng loạt chính sách cần chú trọng thời gian tới như cơ sở hạ tầng; thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao, quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học. Khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền, tài trợ, xã hội hóa cũng cần hoàn thiện.
|
|
Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Huyền thi đấu ở SEA Games 32. Ảnh: Hiếu Lương |
Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 cần được thực hiện tốt, đồng thời với xây dựng chỉ số rèn luyện, đánh giá thể lực con người Việt Nam. Các cơ quan sớm ban hành chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao được tập trung phát triển, gắn với hoàn thiện hệ thống đào tạo vận động viên, thi đấu cấp độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn Olympic trọng điểm. Các tổ chức, cá nhân được khuyến khích thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng hợp pháp.
Bộ Chính trị yêu cầu chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, người trực tiếp làm thể dục, thể thao. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, giao lưu quốc tế cần đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thể dục thể thao đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với chuẩn mực quốc tế. "Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục thể thao", Bộ Chính trị nêu.
|
|
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai |
Ngoài ra, thể thao quần chúng được khuyến khích phát triển, tạo cơ hội cho mọi người tập luyện, biểu diễn, thi đấu nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Thể thao dân tộc sẽ được ưu tiên phát triển.
Thể thao trường học tiếp tục đổi mới gắn với mục tiêu phát triển toàn diện đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ.
Học sinh, sinh viên được khuyến khích tham gia thể dục, thể thao, giáo dục thể chất. Cơ sở vật chất, giáo viên, giảng viên cho các cấp học được quan tâm đầu tư cùng với nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi. Công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang được tăng cường.
Một số cơ sở trọng điểm về đào tạo vận động viên, nghiên cứu khoa học và y học thể thao sẽ được ưu tiên đầu tư. Thị trường thể thao được phát triển gắn với thúc đẩy hợp tác công tư. Doanh nghiệp, cá nhân được khuyến khích tham gia xây dựng cơ sở thể thao, thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài.
Bộ Chính trị đánh giá 10 năm qua thể thao Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Thể thao thành tích cao đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, tăng vị trí xếp hạng trong khu vực, châu lục, quốc tế.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho thể thao còn thấp. Thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao phát triển chưa vững chắc. Chính sách với huấn luyện viên, vận động viên còn hạn chế. Giáo dục thể chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu.
Một trong những nguyên nhân là chính sách kinh tế thể thao, xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đủ mạnh. Vai trò của tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp chưa được phát huy.
Hiện mức lương cho vận động viên, huấn luyện viên còn thấp. Theo quy định của Chính phủ từ 2018, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia được hưởng lương 505.000 đồng/ngày tập luyện, thi đấu. Huấn luyện viên trẻ quốc gia lương 375.000 đồng/ngày. Huấn luyện viên đội tuyển trẻ quốc gia lương 270.000 đồng/ngày. Vận động viên đội tuyển quốc gia lương 270.000 đồng/ngày; vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia 215.000 đồng/ngày. Ngoài ra, họ được thưởng khi thi đấu đạt thành tích tại các giải quốc gia, khu vực, quốc tế.