leftcenterrightdel
Trụ sở Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi

Sau nhiều lần ngược xuôi, ông Phạm Chính (60 tuổi, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa lấy lại được số tiền 180 triệu đồng tiền lương, trợ cấp… mà Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi đã nợ. Ông Chính trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ và không biết khi nào mới được trả.

“Công ty hẹn đến tháng 9/2022 sẽ trả hết nợ nhưng đến cuối năm 2022, họ chỉ trả cho tôi 1 triệu đồng. Cứ dây dưa mãi thế này khổ quá”, ông Chính chia sẻ.

Không riêng gì ông Chính, hơn 40 người khác là người lao động đã bị chấm dứt hợp đồng lao động do nhà máy gạch Phong Niên (trực thuộc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi) ngừng hoạt động cũng bị “khất” tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp… nhiều lần. Bức xúc, những người này tập trung và treo băng rôn trước cổng công ty để yêu cầu trả các khoản nợ. Gần đây nhất là vào ngày 9/8/2023.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ngãi, tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội… của người lao động tại Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi phức tạp, kéo dài qua nhiều năm.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, công ty này là doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, công đoàn cơ sở công ty trực thuộc Công đoàn Tổng Công ty nên LĐLĐ tỉnh không thể trực tiếp tác động đến công đoàn cơ sở công ty để giúp người lao động thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Sau nhiều lần can thiệp để giải quyết hài hòa quan hệ lao động và người sử dụng lao động nhưng phía Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi không khắc phục dứt điểm như cam kết, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ tư vấn pháp lý cho người lao động để khởi kiện ra tòa án.

leftcenterrightdel
 Người dân tập trung ở trước Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi để đòi tiền lương, bảo hiểm...

Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu công ty này phải thực hiện việc đối chiếu để xác định chính xác những khoản nợ với người lao động.  Giám đốc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi cũng đã cam kết sẽ tổ chức cho người lao động đối chiếu nợ bắt đầu từ chiều ngày 14/8/2023 đến cuối tháng 9/2023.

Mặt khác, LĐLĐ tỉnh cũng kiến nghị lên Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ đạo Công đoàn Tổng Công ty cổ phần Licogi làm việc với Hội đồng quản trị đưa ra hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, giải quyết đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật cho người lao động đã nghỉ việc.

Kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi vì đã có dấu hiệu vi phạm, xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đối cho biết, theo phương án trả nợ mà Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi thông tin, đơn vị này sẽ bán nhà máy gạch Phong Niên, hiện đang trong quá trình thẩm định giá, sau đó sẽ có tiền để trả nợ dần cho người lao động.

leftcenterrightdel
 Người dân tham gia đối thoại với  Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi vào ngày 9/8

Theo báo cáo của Giám đốc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi Phùng Hải Phong tại cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động do LĐLĐ tỉnh tổ chức vào ngày 9/8 vừa qua, tình hình tài chính của công ty rất đáng quan ngại với tổng số tiền nợ ngân hàng, thuế, lương và bảo hiểm xã hội lên đến 58 tỷ đồng.

Để thanh toán các khoản nợ trên, công ty đang duy trì hoạt động 1 mỏ đá; thanh lý tài sản nhà máy Gạch Phong Niên để lấy mặt bằng cho các đối tác thuê (nhưng hiện nay chưa có đối tác); tổ chức thi công xây dựng; cho thuê văn phòng làm việc tại trụ sở Công ty số 35 đường Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi; đồng thời công ty đang tiếp cận Ngân hàng để vay vốn phục hồi sản xuất.

Nguồn kinhtedothi
Link bài gốc

https://kinhtedothi.vn/bi-cang-bang-ron-doi-no-doanh-nghiep-tinh-ban-nha-may-de-tra.html