Kết quả được cơ quan này công bố ngày 14/12, sau quá trình điều tra 11 bước tìm nguyên nhân vụ ngộ độc. Theo đó, xét nghiệm mẫu bánh cho kết quả nhiễm các vi sinh vật salmonella spp, bacillus cereus, coliform. Kết luận này trùng với giả thuyết ban đầu của các chuyên gia y tế, khi vụ việc vừa xảy ra.

leftcenterrightdel
Bánh su kem được xác định là nguyên nhân khiến 61 người ngộ độc ở Thủ Đức - Ảnh gia đình nạn nhân cung cấp 

Đây là những tác nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm, có nhiều vụ quy mô lớn trên toàn cầu. Trong đó, salmonella, bacillus cereus là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc, trong đó một bé tử vong, cuối năm ngoái.

Số người ăn bánh su kem tại đêm tiệc trung thu của chung cư Palm Heights hôm 29/9 được xác định là 118, trong đó 61 người bị ngộ độc (25 người nhập viện điều trị, 36 người tự mua thuốc điều trị). Một trường hợp tử vong là bé gái 6 tuổi, con của một nhân viên vệ sinh tại chung cư, ăn gần hai phần bánh được mẹ mang về nhà từ đêm tiệc và để qua đêm.

Điều tra xác định 230 phần bánh su kem được bọc nylon từng cái, đóng hộp, giao đến quán cà phê tại chung cư sáng 29/9. Chủ quán giữ lại 20 bánh phát cho khách, tài trợ 210 bánh cho tiệc trung thu. Hai hôm sau, chung cư ghi nhận 5 cư dân có triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau bụng... Ngày 2/10, nơi này nhận thông tin bé gái 6 tuổi tử vong.

Sau đó, các bệnh viện tại TP HCM ghi nhận 22 trường hợp nhập viện, bệnh viện tại Cà Mau tiếp nhận 3 trường hợp, với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Hầu hết xét nghiệm mẫu máu, mẫu phân bệnh nhân đều không tìm thấy vi khuẩn, chỉ 2 trường hợp thấy khuẩn E.coli.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh su kem được sử dụng trong buổi tiệc

Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, lấy các mẫu bánh còn thừa đi xét nghiệm, kiểm tra cơ sở sản xuất và và cửa hàng bán bánh, tiền sử bệnh tật những người nấu nướng, phục vụ ăn uống... Công ty sản xuất gần 1.400 bánh su kem ngày 29/9, phân phối về hàng chục cửa hàng, đại lý của hệ thống.

Hồi tháng 10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, từng cho rằng điều tra vụ việc này gặp nhiều khó khăn do "thời gian nắm sự việc và lấy mẫu đã chậm một bước". Bánh su kem thường dùng trong ngày và bảo quản lạnh, trong khi 4 ngày sau sự kiện mẫu mới được lấy, ảnh hưởng đến tính chính xác của xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Mẫu bánh có thể dương tính với một số vi khuẩn do thời gian xảy ra vụ việc cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, bánh đã được để quá lâu.

Theo bà Lan, hiện còn một mảng trống trong vấn đề an toàn thực phẩm là chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả hoạt động từ thiện. Đa số hoạt động từ thiện xuất phát từ tâm, nên người thực hiện khả năng cung cấp thực phẩm tốt, chất lượng. Tuy nhiên, về quy định pháp luật, người làm từ thiện không đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý An toàn Thực phẩm đã có kế hoạch thống kê các cơ sở từ thiện ở các quận, huyện. Trước mắt, Ban sẽ tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kiến thức để chuẩn bị những bữa ăn bảo đảm an toàn.

Người dân được khuyến cáo chọn sử dụng những thực phẩm uy tín, có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng để hạn chế ngộ độc. Với những thực phẩm có hạn sử dụng, khi quá hạn dùng, hoặc còn hạn nhưng bảo quản sai cách cũng ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, rất dễ xuất hiện các vi khuẩn gây ngộ độc.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/banh-su-kem-khien-61-nguoi-o-thu-duc-ngo-doc-dem-trung-thu-4689038.html