Hiện nay ngày càng nhiều người "săn lùng" dịch vụ thuê ca sĩ, ban nhạc tới biểu diễn tại các điểm liên hoan, tổ chức sự kiện. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở Sự kiện Xanh, chuyên cung cấp các ban nhạc, ca sĩ biểu diễn cho biết, mỗi ngày bên ông nhận ít nhất hai show biểu diễn ca nhạc, những ngày nhiều có thể lên tới cả chục show.
“Có rất nhiều loại hình thuê ban nhạc như chỉ thuê guitar, acoustic hay cả ban nhạc đủ đàn trống…tùy vào nhu cầu của khách. Một đêm diễn thường từ 19h đến 22h hàng ngày, có giá dao động từ 8,5 triệu đồng đến cao nhất là 30 triệu đồng”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc thuê các ban nhạc nhỏ từ 1 đến 2 người chơi 2-3 loại nhạc cụ khác nhau thời gian gần đây hút khách hơn cả do chi phí hợp lý hơn, phù hợp các bữa tiệc nhỏ. Còn với các ban nhạc đầy đủ nhạc cụ, quy mô hoành tráng hơn thì hướng tới những khách thuê là các công ty, doanh nghiệp hay các sự kiện liên hoan lên tới vài chục người.
Sự lên ngôi của nhiều dịch vụ giải trí, trong khi karaoke vẫn "cửa đóng then cài" khiến nhiều người cho rằng dịch vụ karaoke rất có thể sớm bị "khai tử" ở Hà Nội.
Phân tích vấn đề này với VTC News, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, thời gian qua, sau đại dịch COVID-19 và một số vụ cháy tại các quán karaoke, dịch vụ hát karaoke tại quán đã rơi vào trầm lắng. Thay vào đó, việc hát karaoke ở nhà riêng, khu vực công cộng lại trở nên phổ biến hơn. Điều này chứng tỏ nhu cầu hát karaoke của người dân là có thật.
Nhưng hệ lụy của sự đổi hướng này là ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng. "Xét về quan điểm quản lý Nhà nước về văn hóa, lấy nhu cầu văn hóa của người dân là đối tượng phục vụ, rõ ràng dịch vụ karaoke vẫn còn có giá trị trong đời sống của người dân, và việc đưa trở lại dịch vụ này hoạt động bình thường, kèm theo việc chấn chỉnh, giám sát, quản lý là một việc làm cần thiết, để tránh những hệ lụy phát sinh không cần thiết”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hoạt động kinh doanh karaoke nên được đưa trở lại hoạt động để đảm bảo quyền lợi của các chủ kinh doanh cũng như thỏa mãn nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người dân. Tất nhiên, các cơ sở kinh doanh phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Ông Sơn khuyến cáo, việc cấm quá lâu karaoke hoạt động do không đảm bảo về PCCC đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ này ở Hà Nội biến tướng, hoạt động dưới hình thức nhà hàng, quán rượu...Đó là những dịch vụ không được khuyến khích và cũng không dễ giám sát, quản lý.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, nhu cầu ca hát, sử dụng dịch vụ karaoke là có thật trong đời sống người dân. Nếu thực sự sử dụng dịch vụ này với nhu cầu lành mạnh thì rất có giá trị với đời sống tinh thần con người.
“Có những ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ loại hình dịch vụ karaoke, nhưng theo tôi không nên vì không quản được thì cấm, như thế làm mất đi sự dân chủ trong kinh tế. Tuy nhiên, cần giám sát để dịch vụ này hoạt động minh bạch, đúng pháp luật và an toàn. Để làm được việc này, chúng ta cần phải quy định chi tiết lại, bởi những quy định cũ đã lạc hậu, không đủ nội dung và chế tài xử lý những vi phạm của dịch vụ karaoke biến tướng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Ngoài ra, theo ông Phú, cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra thường xuyên, kiểm tra bất cứ lúc nào. Có như thế mới hạn chế được tốt nhất những hành vi vi phạm pháp luật hoặc thiếu an toàn, đe dọa tính mạng của người dân. Không nên để những sự việc không hay xảy ra rồi mới đi xử phạt, giải quyết hậu quả và cuối cùng là cấm đoán, loại bỏ. Như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.
“Các cơ sở kinh doanh karaoke phải sửa lại thiết kế phòng hát đảm bảo thông thoáng, công khai, không được kín bưng như hiện tại. Có thể sử dụng kính trong suốt, vừa đảm bảo thoát hiểm tốt vừa có thể phòng tránh các tệ nạn diễn ra bên trong. Nhiều nước trên thế giới đã làm như thế rồi. Có như thế, những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, đàng hoàng sẽ bị loại bỏ, bài trừ một cách tự nhiên”, chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất thêm.