Cụ thể, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Bắc Giang, Phòng Y tế thành phố Bắc Giang tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW, có địa chỉ tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW có các hành vi vi phạm: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Không những vậy, cơ sở còn cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược; bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
|
|
Lực lượng chức nâng đang làm việc tại cơ sở thẩm mỹ viện bị xử phạt |
Đội QLTT số 1 đã thiết lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW về 04 hành vi vi phạm nêu trên với số tiền 137,5 đồng.
Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi vi phạm hành chính với số tiền 10,55 triệu đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và thu số lợi bất hợp pháp là 148,05 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 24 tháng.
Liên quan đến tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ bị xử phạt, TS. BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang đã đưa ra những phân loại cụ thể và cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo. Theo ông, cơ sở thẩm mỹ có thể chia thành ba nhóm chính, với mỗi nhóm có yêu cầu và mức độ quản lý khác nhau.
Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: Là những cơ sở chăm sóc da (spa), tóc, móng… Những cơ sở này không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì nên không thuộc quản lý của Sở Y tế.
Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND huyện, thị xã cấp (nếu loại hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép (nếu loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể hoặc xăm, phun, thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này ngoài giấy phép kinh doanh, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Người dân khi đến cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không giấy phép làm các thủ thuật xâm lấn hay dùng thuốc có tác dụng dược lý, khả năng gặp rủi ro dị ứng thuốc dẫn đến phản ứng phản vệ với các cấp độ khác nhau. Tai biến thủ thuật có thể dẫn đến tàn phế hoặc nguy hiểm tính mạng sẽ cao hơn. Khi đó, người dân chẳng những không đạt được mục đích làm đẹp theo ý muốn mà còn bị tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bản thân.
Nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân mà vẫn phục vụ nhu cầu làm đẹp, người dân cần lựa chọn những cơ sở làm đẹp uy tín, chất lượng với bác sĩ, kĩ thuật viên tay nghề cao đã qua đào tạo, được cấp chứng chỉ bài bản, tránh ham rẻ, nghe quảng cáo để rồi "tiền mất tật mang".