Nội dung văn bản nêu: Thực hiện Công văn số 5978/STNMT-TNKS ngày 16/11/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản (đất san lấp) báo cáo việc thuê đất để hoạt động khoáng sản. Ngày 23/11/2023, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đã ban hành Công văn số 4500/UBND-TNMT. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác hoàn thiện thủ tục thuê đất và báo cáo bằng văn bản cụ thể việc thuê đất để hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo Văn bản số 5978/STNMT-TNKS ngày 16/11/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời thực hiện nghiêm túc giấy phép khai thác của UBND tỉnh quy định tại Điều 2 Giấy phép khai thác khoáng sản "trước khi tiến hành khai thác khoáng sản phải thực hiện thủ tục thuê đất". Tuy nhiên đến nay, các đơn vị được phép khai thác chưa có báo cáo về việc thực hiện thuê đất theo quy định.
|
|
Mỏ đất được cấp cho Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. |
Để thực hiện nghiêm túc giấy phép khai thác của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý (Công ty Ngọc Lý); Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc (Công ty Trung Bắc) tạm dừng việc khai thác khoáng sản tại các mỏ đất san lấp, chỉ được khai thác trở lại khi đảm bảo các yêu cầu quy định pháp luật và giấy phép khai thác của UBND tỉnh, đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ thuê đất. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5978/STNMT-TNKS ngày 16/11/2023 và Công văn số 4500/UBND-TNMT ngày 23/11/2023 của Chủ tịch UBND huyện Việt Yên.
UBND các xã: Ninh Sơn, Quảng Minh, Minh Đức: Thường xuyên bố trí lực lượng, đôn đốc, giám sát việc thực hiện giấy phép khai thác của các đơn vị được cấp phép. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyển xử lý theo quy định (nếu vượt quá thấm quyền). Báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND huyện theo quy định.
UBND huyện Việt Yên cũng yêu cầu Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ, đôn đốc, hướng dẫn, kiếm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của UBND các xã và các đơn vị khai thác, tham mưu xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 6743/ UBND-KTN ngày 23/11/2023 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Việt Yên và Công ty Trung Bắc kiểm tra, làm rõ nội dung bài viết đăng tải ngày 20/11/2023 của Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên. Đây là mỏ đất được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép bằng hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong giấy phép nêu rõ về địa điểm, loại công trình được cung cấp đất san lấp.
Văn bản nêu: "Ngày 20/11/2023, Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư có bài viết: 'Bắc Giang: Chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, doanh nghiệp đã tổ chức khai thác khoáng sản tại huyện Việt Yên'. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Ô Pích có ý kiến như sau: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Việt Yên, cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung bài viết của Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư nêu trên; kết quả báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật".
|
|
Hai doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại huyện Việt Yên là đều tiến hành khai thác khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất. |
Liên quan tới nội dung này, trong quá trình khảo sát về thực trạng khai thác và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư ghi nhận, tính từ năm 2022 tới ngày 10/11/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 11 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ - mỏ đất), thông qua hình thức đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, huyện Việt Yên có 3 mỏ được cấp phép, huyện Tân Yên có 2 mỏ, huyện Yên Thế có 1 mỏ, huyện Lạng Giang 1 mỏ, huyện Lục Nam 3 mỏ, huyện Yên Dũng 1 mỏ.
Điểm khác nhau giữa 2 hình thức trên là đối với mỏ có đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp trúng đấu giá được quyền vận chuyển, cung cấp khoáng sản cho bất cứ dự án nào, không bó hẹp ở một dự án, công trình cụ thể. Còn đối với mỏ đất không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì chỉ được phép cung cấp đất cho những công trình, dự án cụ thể.
|
|
Công ty Trung Bắc chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất và đất tại mỏ được mang đi đổ sai địa điểm quy định trong giấy phép. |
Đối với mỏ đất của Công ty Trung Bắc, ngày 08/09/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 986/QĐ-UBND cho phép Công ty Trung Bắc khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) tại khu núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên. Đây là mỏ đất được cấp phép khai thác không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với trữ lượng khai thác lên tới hơn 2 triệu khối đất, công suất 520.000 m3/năm; Thời hạn khai thác đến ngày 26/7/2027. Trước khi tiến hành khai thác, Công ty Trung Bắc phải hoàn thiện thủ tục thuê đất... theo quy định của pháp luật.
Còn Công ty Ngọc Lý sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Bắc Giang cấp 2 giấy phép khai thác tại khu vực núi Khống (Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 25/7/2023, trữ lượng xấp xỉ 754.000 m3, thời hạn tới 03/01/2028), khu vực núi Phang (Quyết định số 786/QĐ-UBND, ngày 25/7/2023, trữ lượng gần 200.000 m3, thời hạn tới 03/01/2026). Cả 2 mỏ đất này đều ở thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức, huyện Việt Yên.
Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty Trung Bắc nêu rõ: “Cho phép Công ty Trung Bắc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên để phục vụ thi công tuyến đường nối từ ĐT294 đến QL37 qua địa bàn huyện Tân Yên và huyện Việt Yên và các công trình hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty Ngọc Lý nêu rõ: Cho phép Công ty Ngọc Lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực núi Khống và khu vực núi Phang, thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức, huyện Việt Yên. Yêu cầu trước khi tiến hành khai thác, Công ty Ngọc Lý phải hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục thuê đất để thực hiện dự án "Đầu tư khai thác đất san lấp mặt bằng tại khu vực Núi Khống và khu vực Núi Phang... theo quy định của pháp luật.
Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Bắc Giang ghi rõ các quy định là thế nhưng trên thực tế, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ và Rơ mooc “6 chân” vào khu khai thác của Công ty Trung Bắc và Công ty Ngọc Lý để lấy đất đi tiêu thụ. Điều đáng nói, rất nhiều những chiếc xe “6 chân” này lấy đất để cung cấp vào dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech - một dự án thuộc huyện Hiệp Hòa do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Jutech làm chủ đầu tư. Trong số những chiếc xe “6 chân” đang lấy đất từ mỏ của hai công ty này, có một số xe thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Một thành viên xây dựng Hải Thọ - nhà thầu thi công dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech.
|
|
Đất tại điểm khai thác của Công ty Trung Bắc được đổ vào dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. |
Theo luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn luật sư Hà Nội): Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản số 986/ QĐ-UBND do UBND tỉnh Bắc Giang cấp ngày 8/9/2023 cho Công ty Trung Bắc thì việc đất khai thác từ mỏ khu núi Kẻ, thôn Kẻ, xã Quảng Minh và núi Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên để bán vào công trình không thuộc các công trình hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang là không đúng với giấy phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty Trung Bắc. Ngoài ra, hành vi khai thác đất khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất của Công ty Trung Bắc và Công ty Ngọc Lý có dấu hiệu phạm tội khai thác khoáng sản trái phép được quy định Điều 227, Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Cân cho rằng các cơ quan chức năng phải làm rõ nguồn gốc đất đã được san lấp tại dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Jutech có đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm để hạn chế thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.
Liên quan tới nội dung phải hoàn thiện thủ tục thuê đất trước khi khai thác, ngày 16/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã có văn bản số 5978/TNMT-TNKS về việc báo cáo thực hiện thủ tục thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản các mỏ đất san lấp gửi UBND các huyện Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên và các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Theo báo cáo số 4500/ UBND-TNMT, do PCT UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách ký ban hành ngày 23/11/2023, trên địa bàn huyện Việt Yên hiện nay có 3 mỏ đất đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 2 doanh nghiệp là Công ty Trung Bắc và Công ty Ngọc Lý làm vật liệu xây dựng thông thường thì cả 2 doanh nghiệp này đều chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất và cũng chưa có báo cáo bằng văn bản cụ thể việc thuê đất để hoạt động khai thác khoáng sản nhưng đã tổ chức khai thác khoáng sản.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương đã có nhiều văn bản yêu cầu các sở, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác, vận chuyển khoáng sản sai phép, trái phép trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành công tác kiểm tra việc thực hiện cấp phép, quản lý sau cấp phép khai thác khoáng sản của UBND các huyện, thành phố theo văn bản được UBND tỉnh ủy quyền.
Kịp thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương (cấp huyện, xã) để hoạt động khai thác khoáng sản sai phép, trái phép trên địa bàn, nhất là các mỏ đất đắp nền, khu vực thi công san gạt, cắt tầng, hạ độ cao có diễn biến phức tạp, kéo dài mà không nắm được hoặc nắm được nhưng không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan cấp trên theo quy định.
Gần nhất, ngày 02/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản số 6332/UBND-KTN, yêu cầu các sở, cơ quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, quán triệt, tập trung triển khai các công việc liên quan đến ngành, địa phương theo yêu cầu tại mục 1, 2 Công văn số 8797/BTNMT-KSVN ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mới đây, trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I, Chủ tịch nước có nhấn mạnh: “Bắc Giang là tỉnh miền núi, diện tích rừng và vùng cây ăn quả lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, có 3 con sông nằm trong hệ thống sông Thái Bình chảy qua. Vì thế, phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, coi trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, bảo vệ các dòng sông. Phải xác định đây là vấn đề sống còn đối với phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những dự án, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hành động, việc làm của chúng ta hôm nay trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên là của để dành cho con cháu mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Tội khai thác khoáng sản trái phép theo Điều 227 Bộ luật Hình sự
Khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:
* Đối với cá nhân
Khung 1:
- Người nào vi phạm quy định về khai thác khoáng sản của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2:
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức;
+ Gây sự cố môi trường;
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
* Đối với pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Khoản 4 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt như sau:
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khung 1 (đối với cá nhân), thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khung 2 (đối với cá nhân), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.