Tháng 4/2019, thủ lĩnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đăng video để gửi thông điệp đến các tín đồ ở vùng xa xôi. Al-Baghdadi thừa nhận "nhà nước tự xưng" ở Trung Đông đã bị tiêu diệt và "chiến dịch trả thù" trên thế giới giờ đây phụ thuộc vào nhóm cực đoan bản địa có liên hệ với IS.
"Trận chiến của chúng ta bây giờ là cuộc đấu tranh tiêu hao, kéo dài", al-Baghdadi nói trong video công bố ngay sau khi thành trì cuối cùng của IS tại Syria sụp đổ. "Chúng nên biết rằng phong trào jihad sẽ còn tiếp tục cho đến Ngày Phán xét".
Tháng 10 cùng năm, al-Baghdadi bị tiêu diệt sau cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ ở Syria, nhưng hàng loạt chân rết của tổ chức này vẫn tồn tại và đang trỗi dậy tại nhiều khu vực, khi thế giới liên tiếp chứng kiến các cuộc xung đột bùng phát, vốn được coi là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa cực đoan sinh sôi.
Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng vụ tấn công khiến 139 người chết tại nhà hát Crocus City Hall, ngoại ô Moskva, Nga hôm 22/3 là thảm kịch gần nhất cho thấy tầm nhìn tàn bạo của al-Baghdadi đang được tiếp nối thế nào.
IS-Khorasan (ISIS-K), nhánh IS tại Afghanistan, nhận trách nhiệm vụ tấn công. Đây được cho là nhóm vũ trang bạo lực nhất trong tất cả tổ chức cực đoan tại quốc gia nằm giữa Trung Á và Nam Á này. ISIS-K được thành lập vào năm 2015, khi IS còn hoạt động mạnh tại Iraq và Syria.
Sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào năm 2021, ISIS-K đã tận dụng tình hình rối ren để tăng cường hoạt động. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, ISIS-K đã thực hiện vụ đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế ở Kabul vào tháng 8/2021, khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng.
Vụ tấn công đã khiến cái tên ISIS-K xuất hiện dày đặc trên truyền thông quốc tế. Với vị thế được nâng tầm, ISIS-K tăng cường mở rộng địa bàn, phái các phần tử khủng bố đến Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng lên kế hoạch tấn công nhằm vào các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, theo báo cáo tình báo của Washington.
Hồi tháng 1, ISIS-K tuyên bố đứng sau vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman, Iran, trong lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ở Iraq vào năm 2020. Mạng lưới tuyên truyền của IS thường ca ngợi những vụ đánh bom này là bằng chứng cho thấy tổ chức đang trỗi dậy trở lại.
"Đây là cách để IS gửi thông điệp đến thế giới rằng chúng vẫn là một mối đe dọa chết chóc, hiện hữu", Rita Katz, chuyên gia về tổ chức bạo lực cực đoan tại SITE Intelligence Group, nhóm chuyên theo dõi và phân tích các bài đăng của IS trên mạng xã hội, nói.
ISIS-K phát triển nhanh chóng bằng cách thiết lập các nhóm nhỏ và tuyển mộ thành viên khắp Trung Á, đặc biệt là người nói tiếng Tajikistan, Uzbekistan, Farsi cùng nhiều ngôn ngữ địa phương khác, theo Katz. "Đây là một tổ chức chết chóc và có tiềm lực, vươn xúc tu ra khắp Trung Á, bao gồm nhiều khu vực ở các quốc gia từng thuộc Liên Xô".
Trong khi đó, một số nhánh IS ở châu Phi cũng dần mạnh lên và có trang bị tốt. Tại Tây Phi và khu vực Sahel ở Bắc Phi, những nhóm cực đoan này đã nhiều lần thể hiện khả năng kiểm soát địa bàn, đẩy lùi các lực lượng chính phủ khi họ tìm cách can thiệp. Nhánh IS tại Mali đã chiếm một phần lãnh thổ thuộc hai tỉnh của nước này. Các nhánh IS khác ở châu Phi chiếm các thị trấn ở Somalia và vùng Cabo Delgado ở Mozambique.
Ngay cả tại Syria và Iraq, nơi hàng nghìn tay súng IS đã bị tiêu diệt sau chiến dịch dài 4 năm do liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu triển khai, IS vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, Dana Stroul, phó trợ lý thư ký về vấn đề Trung Đông tại Lầu Năm Góc, cho biết.
"IS vẫn có thể lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công quy mô nhỏ", Stroul nói. Ông cho rằng các thủ lĩnh IS ở Syria dường như chú trọng vào tổ chức các vụ cướp ngục để giải cứu thành viên đang bị giam. Những nhà tù do dân quân người Kurd kiểm soát ở miền đông Syria đang giam khoảng 9.000 thành viên IS.
"Sự trỗi dậy gần đây không phải chuyện xảy ra trong một sớm một chiều, mà là điều ISIS-K đã lên kế hoạch suốt nhiều năm", Amira Jadoon, giáo sư Đại học Clemson, bang Nam Carolina, nhận định. Ông thường tham vấn với chính phủ Mỹ về các vấn đề chống khủng bố.
Các quan chức và chuyên gia về chống chủ nghĩa khủng bố cảnh báo sau vụ tấn công vào nhà hát Crocus của Nga, thế giới có thể chứng kiến nhiều thảm kịch tương tự. ISIS-K cùng các nhánh khác của IS đang âm thầm mở rộng về quy mô cũng như tham vọng, giữa lúc thế giới tập trung sự chú ý vào chiến sự ở Ukraine và xung đột Gaza.
Trong 12 tháng qua, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm với hơn 1.100 vụ tấn công, gây thương vong tổng cộng gần 5.000 người trên thế giới, theo số liệu từ dự án theo dõi chủ nghĩa khủng bố do Viện Washington về Chính sách Cận Đông (WINEP) triển khai tuần trước.
ISIS-K cũng không che giấu tham vọng mở rộng lãnh thổ. Trong bài viết trên tạp chí của ISIS-K, nhóm tuyên bố "lãnh thổ Hồi giáo chưa bao giờ chỉ giới hạn ở Afghanistan, mà rộng hơn nhiều, bao gồm châu Phi, từ đông Turkestan ở Kazakhstan đến Tajikistan, Uzbekistan, Azerbaijan, mở rộng sang Chechnya và Dagestan, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến các quốc gia Trung Đông, Pakistan, Ấn Độ và hơn nữa".
"Taliban là lực lượng duy nhất đối phó với ISIS-K ở Afghanistan, nhưng họ còn chật vật với nhiệm vụ điều hành đất nước", Colin Clarke, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, trụ sở ở New York, nói. "Taliban là phong trào nổi dậy thành công, nhưng dường như lại kém hiệu quả khi đối phó với lực lượng nổi dậy khác".
Clark cảnh báo ISIS-K đang tạo ra "mối đe dọa đáng kể" và những vụ tấn công đã thực hiện từ Trung Đông cho đến châu Âu cho thấy nhóm "vẫn còn nhiều âm mưu cũng như tiềm lực để triển khai".
Một quan chức tình báo châu Âu cho biết chính phủ tại quốc gia họ cảnh báo những phần tử khủng bố đang náu mình có thể sẽ trỗi dậy sau khi chứng kiến vụ tấn công nhà hát Nga. Ngoài ra, quan chức này cảnh báo vụ khủng bố có thể thúc đẩy các nhánh IS cạnh tranh lẫn nhau nhằm thu hút nguồn tiền, thành viên và danh tiếng.
"Thật không may, chúng ta phải tự chuẩn bị cho kịch bản sẽ có những âm mưu khủng bố khác", quan chức này nói.