Pháo đài Janjira nằm trên một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi thị trấn Murud, bang Maharastra, Ấn Độ, được bao bọc hoàn toàn bởi biển. Công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 bởi Malik Ambar, nhà lãnh đạo quân sự người Siddi, từng đứng thứ hai trong bộ máy cầm quyền của vương quốc Hồi giáo Ahmadnagar ở vùng Deccan của Ấn Độ.

Janjira được mệnh danh là "pháo đài bất khả xâm phạm" do chưa từng bị chinh phục bởi bất kỳ đối thủ nào, dù là Anh, Pháp, Bồ Đào Nha hay Đế quốc Maratha. Shivaji Maharaj, vị vua nổi tiếng của của đế quốc này, đã 13 lần mở chiến dịch chinh phạt Janjira song đều thất bại. Con trai ông, Sambhaji Maharaj, từng cho xây dựng một đường hầm dưới nước để có thể xâm nhập vào pháo đài, nhưng cũng không thành công.

Hòn đảo tiếp tục được cai trị bởi người Siddi cho đến khi được bàn giao cho chính phủ Ấn Độ vào năm 1947, thời điểm nước này giành độc lập, theo Gaurav Gadgil, phó giáo sư lịch sử tại trường đại học K.J.Somaiya ở Mumbai, Ấn Độ.

leftcenterrightdel
 Pháo đài Janjira nhìn từ xa. Ảnh: Supriyo Dutta

Pháo đài Janjira đến nay vẫn gần như nguyên vẹn dù đã trải qua hàng trăm năm chịu tác động của mưa, gió và thủy triều. Công trình này có hình bầu dục thay vì hình vuông như các pháo đài khác. Tường của pháo đài cao khoảng 12 mét, được làm từ đá vôi, thủy tinh và hỗn hợp đường thô, kéo dài tới tận rìa của hòn đảo.

Cổng vào của pháo đài được thiết kế theo cách đặc biệt, không thể nhìn thấy cho tới khi đến thật gần. Việc lên bờ cũng rất khó do không có chỗ để cập bến, mà phải bước thẳng xuống bậc thang ở cổng. Pháo đài còn có một cổng khác được dùng làm lối thoát hiểm trong trường hợp bị tấn công.

leftcenterrightdel
 Pháo đài Janjira nhìn từ trên cao. Ảnh: Alibag

Pháo đài có nhiều ụ pháo, một số chiếc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chúng là vũ khí chính để đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù từ biển.

"Kiến trúc này là một trong các lý do giúp nó trở thành pháo đài không thể chinh phục", Gadgil cho biết.

Pháo đài Janjira hoạt động như một thành phố nhỏ. Ở bên trong có nhà thờ, cung điện và hai hồ chứa nước lớn, giúp dân trong đảo có nước ngọt để sinh hoạt dù bao quanh là biển. Các hồ chứa này cũng là nguồn cấp nước chủ yếu cho pháo đài vào những lúc bị kẻ thù bao vây.

leftcenterrightdel
 Hồ chứa nước tại pháo đài: Ảnh: Wikimedia

An ninh ở đây rất được chú trọng. Mueen Gothekar, hậu duệ của người Siddi, cho biết anh được kể rằng những ai ra khỏi pháo đài sẽ được trao một đồng xu khắc biểu tượng từ lính canh cổng như "giấy thông hành". Chỉ những ai còn giữ đồng xu này mới được quay trở lại. "Những người đánh mất hoặc không tìm thấy đồng xu sẽ bị giết ngay lập tức", Gothekar nói.

Từ khi pháo đài được bàn giao cho chính phủ Ấn Độ, người dân tại đây gặp khó khăn về sinh hoạt nên dần chuyển tới sống ở lục địa. Các hộ gia đình cuối cùng rời khỏi hòn đảo vào những năm 1980.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/phao-dai-bat-kha-xam-pham-o-an-do-4663962.html?utm_source=facebook&utm_medium=vne_thegioi&utm_campaign=phuonguyen&fbclid=IwAR3lMFB5NZfrWBdluIVEod1sDRaW59VWhTNlCkwU_pDnTCEhSRUor0M_tLI