Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg từ ngày 22-24/8. Theo nguyên tắc, nguyên thủ các nước sẽ tham dự hội nghị này.
Dù việc Tổng thống Nga Putin đến thượng đỉnh của nhóm BRICS chưa được chính thức xác nhận, nhưng điều này gây ra tình thế khó xử cho chính phủ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bởi nước này là một thành viên của ICC, cơ quan vào tháng 3 ra lệnh bắt giữ ông Putin vì những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine.
|
|
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 17/3 đã công bố lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Các nước phương Tây như Mỹ, Đức... đã hoan nghênh lệnh bắt, tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu. Nga sau đó đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với công tố viên Karim Khan và một số thẩm phán của ICC về quyết định “bất hợp pháp” liên quan đến ông Putin.
Trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần qua, Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile thừa nhận nước này đang đối mặt với “tình thế tiến thoái lưỡng nan”. Vị lãnh đạo này cũng tiết lộ rằng khả năng nước này bắt giữ ông Putin là khó xảy ra.
Các quan chức Nam Phi đã tính đến nhiều phương án để giải quyết bài toán này, trong đó có tổ chức hội nghị BRICS theo phương thức trực tuyến, chuyển địa điểm tổ chức hội nghị BRICS sang Trung Quốc, thậm chí thuyết phục ông Putin không tham dự hội nghị mà thay bằng một lãnh đạo khác của Nga.
Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều vấp phải sự phản đối của các nước thành viên, trong đó có Nga. Điều này khiến Nam Phi tiếp tục rơi vào tình thế khó xử, khi chỉ hơn một tháng nữa là hội nghị BRICS sẽ diễn ra.
Được biết Tổng thống Nam Phi Ramaphosa sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St. Petersburg (Nga) vào cuối tháng này. Các nhà lãnh đạo Nam Phi kỳ vọng thông qua các cuộc trao đổi cấp cao giữa Tổng thống Ramaphosa và ông Putin, sẽ có phương án hợp lý được đưa ra cho bài toán khó xử của Nam Phi.
“Chúng tôi muốn cho ông ấy thấy thách thức mà Nam Phi phải đối mặt, bởi chúng tôi đã tham gia Quy chế Rome và không thể rũ bỏ nghĩa vụ của nó", ông Mashatile nói.
Một quan chức Nam Phi cho biết chính phủ nước này rất cảnh giác với tình huống bắt nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, điều này chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, nếu không thực thi lệnh bắt của ICC, Nam Phi đối mặt nguy cơ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ với Mỹ và các đối tác ngoại giao, thương mại quan trọng ở phương Tây, thậm chí là hứng chịu lệnh trừng phạt.