Ăn thịt chó là tập tục có từ nhiều thế kỷ trước ở bán đảo Triều Tiên và đây được coi là món thực phẩm bổ dưỡng, giàu năng lượng. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi, khi quốc hội Hàn Quốc ngày 9/1 thông qua luật cấm giết mổ, bán thịt chó từ năm 2027.

leftcenterrightdel
 Chó tại một trại nuôi lấy thịt ở Namyangju, ngoại ô Seoul vào tháng 11/2017. Ảnh: AFP

Theo đạo luật, người nuôi chó lấy thịt, giết mổ, phân phối thịt chó sẽ đối mặt án tù hoặc phạt tiền tới 30 triệu won (22.800 USD). Đạo luật chủ yếu nhắm tới người bán hoặc các chủ trang trại chó, còn những người tiêu thụ thịt chó hoặc các sản phẩm liên quan không bị trừng phạt.

Dù vậy, ngày càng nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, muốn từ bỏ thịt chó để tăng cường phúc lợi động vật, cũng như lo ngại hình ảnh của đất nước bị ảnh hưởng trên trường quốc tế.

"Người Hàn ngày nay nuôi nhiều thú cưng hơn. Chó giờ đây giống như thành viên trong gia đình, nên lệnh cấm là cần thiết", Lee Chae-yeon, sinh viên 22 tuổi, tỏ vui mừng sau khi luật được thông qua.

Khảo sát ngày 8/1 của tổ chức Nhận thức, Nghiên cứu và Giáo dục về Phúc lợi Động vật, trụ sở Seoul, cho thấy 94% người được hỏi không ăn thịt chó trong năm 2023, 93% không có ý định ăn thịt chó trong tương lai.

"Dù đây là sự thay đổi muộn màng, tôi vẫn mừng vì Hàn Quốc có thể khép lại chương sử này, đón nhận một tương lai thân thiện hơn với chó", Jung Ah-chae, giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân đạo Hàn Quốc, nói.

Nhưng đạo luật vẫn vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ những người chăn nuôi thịt chó tại Hàn Quốc. Khi các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua luật, ông Kim Seon-ho, 86 tuổi, đang dùng món canh thịt chó hầm trong một nhà hàng sâu trong hẻm.

"Người Hàn đã dùng món ăn này từ thời xa xưa. Tại sao lại ngăn chúng tôi thưởng thức món ăn truyền thống của quốc gia? Nếu cấm thịt chó thì nên cấm cả thịt bò", ông bày tỏ nỗi thất vọng với đạo luật.

Những nỗ lực trước đây nhằm cấm thịt chó ở Hàn Quốc đã thất bại do bị những người làm ngành này phản đối. Hồi tháng 11/2023, khoảng 200 người nuôi chó đã biểu tình gần văn phòng Tổng thống, đe dọa thả hai triệu con chó vào gần các cơ quan chính phủ, yêu cầu bãi bỏ dự luật.

Những người chăn nuôi chó lập luận rằng món ăn này nên được để "biến mất tự nhiên theo thời gian", trong bối cảnh thịt chó ngày càng ít phổ biến trong giới trẻ. Nhiều chủ trại chó, nhà hàng thịt chó là người cao tuổi và lo sẽ khó chuyển sinh kế ở độ tuổi này.

Joo Yeong-bong, một người chăn nuôi chó, cho rằng đạo luật là đòn giáng cuối cùng vào ngành kinh doanh vốn đang thoi thóp.

"Ngay cả khi không có đạo luật, ngành này sẽ biến mất trong 10 năm tới, nhưng chúng tôi đều đã 60-70 tuổi và giờ không còn lựa chọn nào khác", ông Joo nói. "Đây là xâm phạm quyền tự do ăn uống của người dân".

leftcenterrightdel
 Thành viên Hiệp hội chăn nuôi chó biểu tình tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/4. Ảnh: AFP

Những người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc cũng có quan điểm trái ngược khi đề cập tới vấn đề này. Sinh viên Hoàng Minh, 25 tuổi, đang học tại Gyeongju, cho rằng không nên áp dụng chính sách cấm cản trong chuyện ăn uống, miễn là không ảnh hưởng đến người khác.

Minh hầu như không ăn thịt chó và chưa từng thử món này trong 6 năm sinh sống tại Hàn Quốc, nhưng cho rằng đây là một nét văn hóa và cần được tôn trọng. Bạn bè người Hàn Quốc chưa từng mời Minh dùng món này, nhưng anh cho biết "có dịp vẫn sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm".

Trong khi đó, Bảo Ngọc, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Seoul, cho rằng đạo luật cấm thịt chó được lòng giới trẻ Hàn Quốc vì lý do nhân đạo. Theo cô, chó là loài tình nghĩa, trung thành, biết giúp đỡ con người và đạo luật mới cho thấy "cộng đồng giàu lòng nhân ái hơn".

"Ăn thịt một loài vật có tình cảm lớn với con người là không phù hợp. Đó là lý do thịt chó tại Hàn dần biến mất, dù đã được công nghiệp hóa", Ngọc nói, cho biết đồng nghiệp của cô hầu như không ăn thịt chó.

Dự luật có độ trễ ba năm, để những người buôn bán thịt chó có thời gian chuẩn bị thay đổi sinh kế. Toàn bộ các trang trại, nhà hàng thịt chó đều phải đệ trình kế hoạch ngừng hoạt động lên chính quyền địa phương. Họ sẽ được hỗ trợ tài chính để đóng cửa hoặc chuyển nghề trong thời gian này. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về chính sách hỗ trợ chưa được công bố.

Kim, 60 tuổi, chủ một nhà hàng thịt chó ở Hàn Quốc, đổ lỗi cho giới trẻ về chính sách này. "Nhiều người trẻ ngày nay không kết hôn, nên coi thú cưng như gia đình. Nhưng thức ăn là thức ăn, nên chấp nhận thịt chó trong môi trường chăn nuôi, giết mổ hợp vệ sinh", bà nói. "Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không cấm, tại sao chúng ta lại cấm?".

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/nguoi-han-tranh-cai-ve-luat-cam-thit-cho-4698972.html