Theo hãng tin Bloomberg, thông điệp trên xuất hiện chưa đầy một giờ sau khi máy bay cất cánh trong chuyến bay đêm đi từ TP Kuala Lumpur (Malaysia) đến TP Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8-3-2014. Vài phút sau, MH370 biến mất khỏi màn hình radar của kiểm soát không lưu.

Bằng cách nào đó, chiếc Boeing Co. 777 đồ sộ trở nên vô hình trên bầu trời đêm. Trên máy bay có 239 người.

Hoạt động tìm kiếm đã được tiến hành, kể cả ở một số khu vực sâu thẳm nhất ở vùng biển phía Nam của Ấn Độ Dương, song không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của thân máy bay, hành khách hay phi hành đoàn.

Không một cuộc gọi khẩn cấp, không một mảnh vỡ và không một tín hiệu về đường bay, MH370 đến giờ vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại.

leftcenterrightdel
MH370 mất tích với 239 người trên khoang. Ảnh: Bloomberg 

Mặc dù các nhà điều tra không có nhiều thông tin để tiếp tục nỗ lực giải mã bí ẩn MH370, họ hiểu rõ một điều: Một chiếc máy bay không bao giờ được phép mất tích như thế này nữa.

Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, nỗ lực toàn ngành nhằm ngăn chặn một vụ việc tương tự vẫn bị cản trở bởi nhiều vấn đề, bao gồm áp lực tài chính và mâu thuẫn về việc ai được quyền kiểm soát buồng lái tuyệt đối.

Vài tuần sau thảm họa, chính phủ Malaysia đề xuất một công cụ theo dõi máy bay quan trọng nhưng công cụ này đến giờ vẫn chưa được triển khai.

Hiện tại, vẫn còn một lỗ hổng lớn trong các quy trình an toàn hàng không, đồng nghĩa một chiếc máy bay dân sự gặp nạn ở một khu vực hẻo lánh có thể bị ẩn giấu ở đó mãi mãi.

Trong lúc các đội tìm kiếm dò tìm MH370 trong vô vọng, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) kêu gọi triển khai "một lớp quy định an toàn bổ sung" cho ngành hàng không dân dụng, yêu cầu máy bay thông báo vị trí ít nhất mỗi phút một lần nếu gặp sự cố.

Mục đích của đề xuất trên là đưa ra cảnh báo sớm về một thảm họa tiềm tàng. Nếu sau đó máy bay gặp nạn, đội cứu hộ ít nhất sẽ có cơ hội xác định được vị trí máy bay rơi.

leftcenterrightdel
 MH370 là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, mọi chuyện chẳng diễn ra suôn sẻ như vậy. Được lên kế hoạch thực thi vào tháng 1-2021, song quy định nêu trên bị hoãn đến tháng 1-2025.

Bloomberg đã hỏi hàng chục hãng hàng không lớn trên khắp nước Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Châu Á để tìm hiểu xem có bao nhiêu máy bay trong đội bay của họ đã được lắp thiết bị thông báo vị trí khi gặp sự cố. Những hãng phản hồi đều có chung câu trả lời: Rất ít.

Air France (Pháp), hãng có hơn 250 máy bay tính đến tháng 9-2023, cho biết chỉ có 7 chiếc trong số này tuân thủ quy định của ICAO. Tỉ lệ này ở Korean Air (Hàn Quốc) và Japan Airlines (Nhật Bản) lần lượt là 159-3 và 226-2.

Còn một vấn đề khác đáng chú ý về quy định của ICAO là thiết bị khai báo vị trí chỉ phải lắp ở những máy bay mới. Điều này đồng nghĩa hàng ngàn máy bay sẽ hoạt động trong nhiều thập kỷ, chở hàng triệu hành khách trên khắp thế giới mà không cần triển khai công nghệ được xem là đặc biệt quan trọng sau thảm họa MH370.

Rào cản công nghệ đóng góp một phần nhất định trong sự chậm trễ nêu trên. Khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ khuyến nghị lắp đặt hệ thống theo dõi trên máy bay vào năm 2015, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) – cơ quan được coi là đầu tàu toàn cầu cho ngành hàng không dân dụng – đã phản đối.

leftcenterrightdel
 Hoạt động tìm kiếm đã được tiến hành, kể cả ở một số khu vực sâu thẳm nhất ở vùng biển phía Nam của Ấn Độ Dương, nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của thân máy bay, hành khách hay phi hành đoàn. Ảnh: Reuters

FAA khẳng định không thể thực hiện khuyến nghị trên nếu không hy sinh quyền kiểm soát của phi công đối với tất cả các hệ thống – vốn được coi là trụ cột của giao thức an toàn hàng không vì phi công phải có tiếng nói cuối cùng đối với máy bay trong trường hợp khẩn cấp.

Các nhà khoa học đã thành công trong việc lập bản đồ sơ bộ lộ trình của MH370 bằng cách nghiên cứu các kết nối hàng giờ của nó với một vệ tinh cách trái đất 36.000 km. Là một thành tựu đáng nể nhưng công trình "thám tử" này cũng chỉ xác định được một vùng va chạm tiềm tàng mênh mông. Một đội tìm kiếm quốc tế đã khảo sát 710.000 km2 đáy biển, trước khi chiến dịch tìm kiếm bị ngừng vào năm 2017. Nỗ lực tiếp theo, được Công ty thám hiểm biển Ocean Infinity (Mỹ) tiến hành vào năm 2018, cũng "trở về trắng tay".

leftcenterrightdel
 Người thân của nạn nhân tham dự lễ tưởng niệm 10 năm MH370 mất tích ở TP Subang Jaya - Malaysia, hôm 3-3. Ảnh: Reuters

Chuyên gia Joe Hattley, thành viên của nhóm điều tra quốc tế tại Malaysia sau khi MH370 mất tích, cho biết bí ẩn này vẫn đeo bám ông dù đã 10 năm trôi qua.

"Tôi nghĩ về MH370 mỗi ngày. Là một nhà điều tra tai nạn, một phần công việc của bạn là trả lời câu hỏi, cung cấp đáp án cho gia đình, bạn bè và người thân nạn nhân. Chúng tôi chưa làm được điều đó" – ông bày tỏ.

Nguồn nld
Link bài gốc

https://nld.com.vn/am-anh-6-tu-cuoi-cung-tu-mh370-196240307124839616.htm