Chiều tối ngày 11/10, khi đang hỗ trợ đoàn khách Việt của công ty du lịch Transviet trụ sở ở TP HCM nhận phòng tại khách sạn Haifa, miền trung Israel, điện thoại của hướng dẫn viên Ngọc Huy, 30 tuổi, rung lên. Anh mở điện thoại và nhận được thông báo qua app Tzofar về việc Hamas chuẩn bị phóng rocket vào thành phố anh đang đứng. Đây là ứng dụng cảnh báo rocket Huy cài khi sang Israel, có tác dụng báo trước 2-3 phút khu vực nào sắp bị tấn công.

Còi hú như còi xe cứu thương cùng lúc vang lên. Nhân viên khách sạn nhanh chóng dẫn đoàn vào phòng trú ẩn. Nơi này chính là khu vực thang bộ thoát hiểm trong các chung cư, khách sạn cao tầng. Du khách được hướng dẫn đứng tại chiếu nghỉ cầu thang thoát hiểm. Khu vực chiếu nghỉ có đèn sáng, đủ chỗ cho 20 người đứng và là nơi an toàn nhất trong tòa nhà.

leftcenterrightdel
 Biển chỉ dẫn đến chỗ thoát hiểm cũng là nơi trú ẩn tránh rocket tại khách sạn khi có còi báo động ở Israel

Điều khác biệt so của cầu thang thoát hiểm ở Israel là nơi này được xây dựng kiên cố, tường dày hơn và nằm ở giữa tòa nhà, thay vì đầu hoặc cuối hành lang. Jameel, hướng dẫn viên địa phương đi cùng đoàn Ngọc Huy giải thích việc xây cầu thang bộ ở giữa hành lang nhằm giúp khách có thể đến nơi an toàn nhanh nhất và tầng nào cũng có phòng trú ẩn.

Cha Vũ Văn Mai, 50 tuổi, linh mục thuộc dòng Anh em hèn mọn sống tại Lộc Phát, Bảo Lộc, một du khách Việt trong đoàn cho biết mọi người có "đôi chút lo lắng" khi đứng trong phòng trú ẩn. Trong khu vực này không gian rất yên tĩnh. Không ai nghe thấy tiếng súng đạn ở bên ngoài.

Đoàn khách Việt đứng ở đó khoảng 5 phút thì được báo hiệu đi ra vì đã an toàn. Khu vực khách sạn và quanh đó không bị thiệt hại vì Israel có hệ thống Vòm sắt (đánh chặn tên lửa) để ngăn rocket. Nhân viên khách sạn cập nhật rằng vừa có 3 quả rocket được bắn về phía Haifa. Họ cũng thông báo về việc nếu ban đêm đang ngủ có nghe thấy còi hú phải lập tức đi vào phòng trú ẩn. Nếu không nhận được thông báo thêm khách chỉ cần đứng trong đó 5 phút là có thể đi ra vì đã an toàn.

Ngọc Huy cho biết thêm người dân Israel quen với chiến sự. Xung quanh nhà ở, khách sạn, công ty đều xây hầm trú ẩn để khi có còi cảnh báo, mọi người có thể đến nơi an toàn trong vòng 2-3 phút.

Cha Mai cho biết người dân Israel thường có thói quen để cửa mở khi nghe tiếng còi báo động để những người đang có việc đi ngang đó, không kể người quen hay lạ, có thể kịp thời vào hầm tránh cùng. Sau khi đã an toàn, mọi người tiếp tục quay lại với cuộc sống thường nhật, buôn bán, đi học, đi làm.

leftcenterrightdel
 Thành cổ Caphacnaum

Đêm hôm đó, tiếng còi hú báo không phát thêm lần nào. Ngọc Huy cho biết trong đoàn khách Việt chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, đến Israel để hành hương. Người già nhất 80 tuổi. Mọi người đều tuân thủ hướng dẫn, không chen lấn xô đẩy hoặc hốt hoảng khi nghe còi hú.

Cũng theo anh Huy đó là lần duy nhất đoàn khách Việt gặp tình huống phải trú ẩn. Những ngày trước đó, họ đều ở Narazeth, khu vực miền bắc nên an toàn. Cuộc sống diễn ra bình thường, các khách sạn, hàng quán vẫn mở. Ngọc Huy quan sát người dân địa phương không tỏ ra lo lắng hay sợ hãi. Không khí nơi đây thậm chí "còn rất yên bình", theo Huy. Điều đó cũng góp phần khiến đoàn khách Việt quên đi lo lắng và nhanh chóng hòa nhập, tìm hiểu khám phá cuộc sống, văn hóa, lịch sử ở nơi này cũng như khu vực Galille, nơi có Biển Hồ nổi tiếng.

leftcenterrightdel
 Khách sạn đoàn khách Việt ở tại Israel

Bộ Du lịch và đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng liên tục cập nhật tình hình cho các công ty du lịch và khách. Hơn một tuần ở tại Israel, đoàn khách Việt chỉ bị buộc hủy tour giữa chừng để về khách sạn trú ẩn vào 7/10, ngày Hamas tấn công theo yêu cầu từ Bộ Du lịch Israel. Ngoài khách Việt, các đoàn khách quốc tế khác vẫn tiếp tục tham quan.

CEO Transviet Phạm Dạ Hương cho biết "mất ăn mất ngủ" để đảm bảo an toàn cho đoàn khách ở Israel, đưa họ về đến Việt Nam. Đoàn dự kiến về ngày 11/10 nhưng hãng bay đã hủy chuyến trong ngày đó. Họ có một chuyến đủ vé để đưa 41 khách Việt về TP HCM vào 15/10.

leftcenterrightdel
 Khách Việt đi dạo bên bờ Biển Hồ của vùng Galilea (Ảnh: Ngọc Huy)

Do đó, công ty chị Hương khẩn cấp xin visa Jordan cho khách đang mắc kẹt và nhờ đại sứ quán Việt Nam tại Israel hỗ trợ thêm. Đến 12/10, đoàn khách đã có visa Jordan. Thay vì bay từ Tel Aviv, đoàn khách Việt đi đường bộ để sang biên giới Jordan rồi bay từ sân bay Queen Alia về TP HCM trong hai ngày 13 và 14. Vì đặt gấp trong tình hình chiến sự nên đoàn khách phải chia làm hai đợt bay. Đợt thứ nhất gồm 27 khách bay vào ngày 13/10. Đoàn thứ hai gồm 14 khách bay vào ngày 14/10.

Chiến sự xảy ra bất ngờ nên công ty phát sinh thêm gần 1,5 tỷ đồng để đưa đoàn khách Việt về nước, may mắn nhất là mọi người đều an toàn, đại diện Transviet cho biết.

Linh mục Vũ Văn Mai cho biết chuyến đi lần này đã để lại nhiều ấn tượng. Bên cạnh việc được đến thăm vùng đất Thánh gắn liền với những thánh tích về chúa Jesus, ông còn được gặp gỡ nhiều người và thấu hiểu hơn về cuộc sống của người dân Israel. "Tôi cảm thông một cách sâu sắc về tình trạng của người dân nơi đây và mong muốn họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn quay lại nơi này", ông Mai nói.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/khach-viet-vao-phong-tru-an-tranh-rocket-o-israel-4665892.html