Trải nghiệm làm con dấu cá nhân
Thay vì dùng chữ ký hoặc vân tay điểm chỉ, người Hàn Quốc thích dùng con dấu cá nhân trong các giao dịch, xác nhận giấy tờ. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, sử dụng con dấu cá nhân là một trong những nét văn hóa độc đáo ở đất nước này.
Du khách được phát các dụng cụ để làm con dấu. Ảnh: Phương Anh
Du khách ngồi làm con dấu. Ảnh: Phương Anh
Khắc con dấu. Ảnh: Phương Anh
Một góc ở nơi cung cấp dịch vụ làm dấu cá nhân. Ảnh: Phương Anh
Tầng 2 tòa nhà là nơi cung cấp trải nghiệm làm con dấu cá nhân. Ảnh: Phương Anh
Tầng 2 phòng triển lãm Eorayeon nằm ở Insadong, một trong những điểm hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Seoul, là nơi du khách có thể ghé thăm và tham gia trải nghiệm làm riêng cho mình một con dấu (khắc dấu cá nhân) giống người Hàn Quốc.
Tại đây, du khách sẽ được cung cấp giấy viết, bút và một con dấu làm từ đá, găng tay và mực. Các nhân viên sẽ hướng dẫn du khách viết tên mình trên giấy và lựa chọn một mẫu ưng ý nhất để khắc lên trên đá. Sau đó bạn có thể đóng dấu tên mình lên giấy, giống cách mà người dân Hàn Quốc thường làm khi giao dịch hay ký kết văn bản. Toàn bộ trải nghiệm này mất khoảng 30-40 phút, giá từ 20.000 won (hơn 400.000 đồng) một người. Khi ra về, du khách được cầm theo con dấu có khắc tên mình.
Thời gian mở cửa: 10h-18h trừ chủ nhật.
Làm công chúa, hoàng hậu ở Cảnh Phúc Cung
Cung Cảnh Phúc là cung điện chính thức của triều đại Joseon, được đánh giá đẹp và lớn nhất trong 5 cung điện ở Seoul. Nhiều vị vua Joseon đã đăng quang tại đây như vua Jeongjong, vua Sejong, vua Danjong và vua Sejo.
Nơi này từng bị hỏa hoạn phá hủy trong giai đoạn 1592-1598 và được khôi phục hoàn toàn dưới thời trị vì của vua Gojong. Tuy nhiên, vụ ám sát hoàng hậu Myeongseong đã khiến Cảnh Phúc không còn được coi là cung điện hoàng gia và là nơi cuối cùng chứng kiến sự sụp đổ của triều đại Joseon.
Ngày nay, kiến trúc của cung vẫn được lưu giữ nguyên bản với lâu đài, ao nước. Các tác phẩm điêu khác trong các điện vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn. Phía tây cung điện, khu vực bên ngoài cổng Heungnyemun là Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc. Phía đông của Lầu Hyangwonjeong nằm trong cung là Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc.
Du khách mặc Hàn phục chuẩn bị vào cung Cảnh Phúc tham quan. Ảnh: Phương Anh
Nhiều du khách mặc Hàn phục để chụp ảnh. Ảnh: Phương Anh
Ngai vàng của nhà vua triều đại Joseon. Ảnh: Phương Anh
Một góc của Cảnh Phúc cung. Ảnh: Phương Anh
Một địa điểm cho thuê trang phục, nằm cách cung Cảnh Phúc 5 phút đi bộ. Ảnh: Phương Anh
Hình ảnh quen thuộc nhất tại cung Cảnh Phúc ngày nay là hàng trăm du khách mặc Hàn phục để chụp ảnh lưu niệm mỗi ngày. Các du khách nữ mặc trang phục của quý nữ con quan, công chúa, hoàng hậu của triều đại Joseon trong khi các nam du khách mặc đồ quan lại hoặc vua chúa. Giá vé vào cửa là 3.000 won (60.000 đồng) và miễn phí với các du khách mặc Hàn phục và người dưới 18 tuổi như một cách quảng cáo văn hóa Hàn Quốc.
Thời gian hoạt động: 9h-17 (tháng 1,2,11,12); 10h-18h (tháng 3-5,9-10); 9h-18h30 (tháng 6-8)
Lên tháp Nam San
Tháp Namsan tọa lạc trên đỉnh núi Namsan, độ cao 236 m. Ngọn tháp là nơi du khách có thể ngắm toàn cảnh một góc thành phố Seoul từ trên cao vào những ngày quang mây.
Với các cặp tình nhân, tháp Namsan còn được ví như "nhân chứng của tình yêu". Tại khu vực gần tháp là một hàng dài rào sắt, nơi lưu giữ hàng nghìn móc khóa tình yêu của các cặp đôi. Người dân địa phương và khách du lịch đều thích lên đây cùng người yêu để cùng nhau móc lên hàng rào sắt một chiếc khóa tình yêu. Nhiều người tin rằng hành động này sẽ giúp các cặp đôi mãi mãi bên nhau, tình yêu được bền chặt.
Hàng rào treo kín khóa tình yêu. Ảnh: Phương Anh
Từ trên tháp Namsan nhìn xuống. Ảnh: Phương Anh
Những ổ khóa tình yêu được treo trên tháp. Ảnh: Phương Anh
Toàn cảnh Seoul nhìn từ núi Namsan. Ảnh: Phương Anh
Tháp Namsan, Hàn Quốc. Ảnh: Phương Anh
Khu vực quảng trường trước tháp thường tổ chức các buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa võ phục vụ khách du lịch. Mỗi buổi diễn kéo dài khoảng 30 phút. Xung quanh đó là các hàng quán bán đồ ăn, quà lưu niệm. Trên đỉnh tháp, du khách có thể dùng ống nhòm để ngắm Seoul từ trên cao. Xung quanh các bức tường kính tại nơi cao nhất của tháp gắn các địa danh nổi tiếng trên thế giới và khoảng cách từ tháp đến nơi đó. Khoảng cách từ tháp đến Hà Nội là hơn 2.700 km.
Có hai cách lên tháp: đi xe buýt rồi đi bộ lên núi hoặc cáp treo. Giá vé cáp treo khứ hồi là 15.000 won (gần 300.000 đồng), thời gian di chuyển: 10-15 phút. Vé để lên đỉnh tháp vào đài quan sát là 21.000 won (gần 400.000 đồng).
Ngoài ra, du khách có thể ghé chợ đêm Myeongdong hoặc chợ lâu đời nhất Seoul Namdaemun để mua sắm, ăn uống. Những nơi này được ví như "thiên đường ẩm thực" với các món ăn truyền thống của người dân Hàn Quốc.
Lol Park - điểm đến cho các game thủ và khách du lịch yêu thích bộ môn e-Sports. Ảnh: Phương Anh
Một quán hàng rong tại chợ đêm Myeongdong nằm ở quận Jung-gu sầm uất của thủ đô Seoul. Ảnh: Phương Anh
Bánh cá được bán tại chợ Myeongdong. Ảnh: Phương Anh
Hoa quả bọc đường giá 9.000 won (gần 200.000 đồng) một xiên ở chợ Myeongdong. Ảnh: Phương Anh
Bánh trứng có giá 2.000 won (gần 40.000 đồng) ở chợ Myeongdong. Ảnh: Phương Anh
Chả cá xiên ở chợ đêm. Ảnh: Phương Anh
Với những người hâm mộ Kpop, du khách có thể ghé trụ sở cũ của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) ở Seoul. Ngày nay, trụ sở của KTO đã chuyển đến Ganwon còn trụ sở tại Seoul được trưng dụng thành trung tâm phức hợp, cung cấp mọi thông tin cho du khách về văn hóa, âm nhạc, điện ảnh, các điểm du lịch của Hàn Quốc. Ngoài ra, du khách có thể ghé LOL park, một điểm đến dành cho các du khách mê e-Sports.