Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng có dấu hiệu làm ăn chụp giật, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Đáng nói, mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng rằng các loại thực phẩm chức năng này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm chức năng do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Điều đáng lo ngại, do nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo quá mức với công dụng như thần dược khiến người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Chỉ là thực phẩm chức năng nhưng quảng cáo có khả năng "điều trị" bệnh về mắt

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Eye Ruby đang được quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, không đúng công dụng sản phẩm đã được cấp phép và gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.

Được biết, sản phẩm Eye Ruby do Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco (địa chỉ tại  Km18 Đại lộ Thăng long, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, thành phố Hà Nội) sản xuất, chịu trách nhiệm về chất lượng. Sản phẩm này được phân phối bởi Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG (địa chỉ tại Phòng 502 số 272 Khương Đình, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). 

Người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco là ông Lê Thành Luân. Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG là ông Hoàng Minh Quang.

Hiện nay, trên nền tảng Youtube, sản phẩm Eye Ruby đang được quảng cáo có khả năng "điều trị mắt không cần cắt mổ, phẫu thuật, điều trị mắt mờ-nhoè, chảy nước mắt, viêm giác mạc, đục thuỷ tinh thể". Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật vì thực chất Eye Ruby chỉ là thực phẩm chức năng, không có công dụng điều trị như quảng cáo.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh một quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Eye Ruby trên nền tảng Youtube.

Không chỉ trên Youtube, một số trang mạng xã hội khác như Facebook, Tiktok cũng tràn ngập các thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm Eye Ruby. Cụ thể, trên một trang Facebook có tên "Eye Ruby. Chính hãng", sản phẩm Eye Ruby được quảng cáo là "lựa chọn số 1 Việt Nam về điều trị mắt, giải quyết tận gốc mắt mờ, nhoè, khô, chảy nước mắt, cườm mắt, đốm đen...". Những thông tin này cũng không đúng với bản chất, công dụng thực sự của Eye Ruby. Cũng trên trang Facebook này còn có thông tin cam kết rằng, Eye Ruby sẽ "chữa lành đôi mắt" và "điều trị thoái hoá điểm vàng, đục thuỷ tinh thể, chảy nước mắt sống, mờ mắt, nhoè mắt".

leftcenterrightdel
 Thông tin Eye Ruby "điều trị các bệnh về mắt" là sai sự thật.

Có thể thấy, dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng sản phẩm Eye Ruby đã được “thổi phồng” công dụng, chất lượng so với thực tế, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm Eye Ruby với các loại thuốc chữa bệnh. Thậm chí, bằng nhiều chiêu trò quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này.

Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Dùng hình ảnh người nổi tiếng để lừa dối người dùng

Để tăng thêm phần tin cậy cho người dùng, một số trang Youtu, Facebook còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm Eye Ruby. Điều đáng nói là hình ảnh những người nổi tiếng này đặt cạnh những dòng tin quảng cáo sai sự thật về Eye Ruby.

Một trong những nghệ sĩ đang quảng cáo cho Eye Ruby là nghệ sĩ Trần Nhượng. Trong một video trên Youtube, nghệ sĩ Trần Nhượng bên cạnh nội dung quảng cáo như "điều trị mắt không cần cắt mổ, phẫu thuật, điều trị mắt mờ-nhoè, chảy nước mắt, viêm giác mạc, đục thuỷ tinh thể". 

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Trần Nhượng xuất hiện trong video quảng cáo sai sự thật về Eye Ruby.

Vậy ai đã thuê nghệ sĩ Trần Nhượng để quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Eye Ruby? Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco, Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG hay một đơn vị nào khác đã dàn dựng kịch bản quảng cáo sai sự thật về Eye Ruby?

Dàn dựng video quảng cáo, dùng hình ảnh bệnh nhân để "tâng bốc" sản phẩm

Không chỉ dùng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, hiện còn chiêu trò đang được một số cá nhân, tổ chức sử dụng để thông tin sai sự thật về sản phẩm Eye Ruby là dàn dựng các video quảng cáo giống với bản tin do các cơ quan truyền hình, báo chí để truyền tải nội dung sai sự thật về sản phẩm này.

leftcenterrightdel
 Những video được dàn dựng công phu để quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm Eye Ruby.

Ngoài ra, trên nhiều phương tiện mạng xã hội, hình ảnh bệnh nhân, người sử dụng sản phẩm Eye Ruby được đăng tải tràn lan bên cạnh thông tin "thổi phồng" công dụng sản phẩm Eye Ruby. Trong khi đó, rất khó để biết liệu những bệnh nhân, người dùng đó có thật hay là những "diễn viên" được thuê để quảng cáo cho sản phẩm Eye Ruby?

leftcenterrightdel
 Hình ảnh bệnh nhân, người sử dụng (chưa rõ thật giả) xuất hiện kèm thông tin sai sự thật về Eye Ruby.

Đơn vị nào chịu trách nhiệm?

Trước những thông tin quảng cáo sai sự thật về Eye Ruby, dư luận không khỏi thắc mắc ai đang đứng sau chỉ đạo, dàn dựng những quảng cáo này? Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Queen Diamond Diophaco và Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG có phải đơn vị phụ trách tổ chức các quảng cáo trên mạng xã hội hay không? Đối với những thông tin quảng cáo sai sự thật về Eye Ruby, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Queen Diamond Diophaco và Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG có chịu trách nhiệm hay không?

Để có thông tin khách quan về vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Queen Diamond Diophaco và Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm SMG. Tuy nhiên, cho đến nay, hai công ty này vẫn chưa có phản hồi liên quan tới sự việc.

Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Điều 19 cũng quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: "Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".

Đối với những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Eye Ruby, đề nghị Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế, Quản lý thị trường cùng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/lat-tay-chieu-tro-quang-cao-gian-doi-ve-chat-luong-san-pham-eye-ruby-nguoi-dung-nen-can-trong-d216237.html