Nhiều sản phẩm của Bếp Tốt không gắn dấu hợp quy, chất lượng có đảm bảo?
Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng bếp từ trở thành xu hướng chung của những hộ dân tại các thành phố lớn. Chính nhu cầu từ thị trường lớn đã kéo theo một loạt thương hiệu bếp từ “đổ bộ” vào thị trường Việt và các nhà phân phối mọc lên như nấm để chia nhau “miếng bánh" thị phần. Bên cạnh nhiều lợi ích tích cực mặt hàng bếp từ đem lại và sự đa dạng chủng loại, địa điểm bán giúp người mua lựa chọn thì mặt trái của vấn đề là loạn thị trường, thật giả lẫn lộn hay những loại bếp từ có chất lượng kém.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bếp từ tại Việt Nam hiện rất đa dạng mẫu mã sản phẩm, từ tầm thấp, tầm trung đến cao cấp. Có thể phân ra làm 2 hình thức nhập và 4 xuất xứ bếp từ. Hình thức thứ nhất là sản phẩm vào thị trường bằng con đường nhập khẩu, có văn phòng đại diện, nhà phân phối tại Việt Nam. Trong đó sẽ có sản phẩm được sản xuất và nhập khẩu nguyên chiếc từ Châu Âu như: Fagor, Nodor, Bosch, Chef’s,…; Sản phẩm thương hiệu Việt đặt sản xuất tại các nước Châu Âu theo hình thức OEM như một số model bếp từ của Chef’s và D’mestik; Sản phẩm sản xuất tại nước thứ 3: Mua linh kiện các nước như Đức, Ý, Nhật và láp ráp tại nước thứ 3 như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia; Sản phẩm sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc. Hình thức thứ hai là sản phẩm vào thị trường bằng con đường xách tay.
Giá bếp từ trên thị trường cũng rất đa dạng, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu. Tuy nhiên, thông thường hàng sản xuất, nhập khẩu nguyên chiếc châu Âu có giá thành cao hơn hàng láp ráp và sản xuất tại Trung Quốc. Bếp sản xuất Châu Âu nhưng được công ty của Việt Nam đặt hàng trước thường dao động từ 15 – 25 triệu. Bếp từ sản xuất nước thứ 3 hoặc tại trung Quốc thường rẻ hơn. Chính vì sự cạnh tranh gay gắt mà thị trường bếp từ thời gian gần đây cũng có nhiều sự nhiễu loạn, đặc biệt là về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
|
|
Hệ thống siêu thị Bếp Tốt đang tồn tại nhiều sản phẩm chưa được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định. |
Riêng về chất lượng bếp điện, bếp điện từ, Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Tới năm 2018, phần sửa đổi 1 của quy chuẩn có bổ sung thêm sản phẩm bếp điện từ vào danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN trước khi đưa ra thị trường. Quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp từ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Mặc dù quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp điện từ đã có từ lâu, tuy nhiên, trên thị trường bếp từ hiện nay vẫn có những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dòng sản phẩm này chưa thực hiện đúng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm theo QCVN 9:2012/BKHCN. Điển hình như trường hợp của hệ thống siêu thị Bếp Tốt (BEPTOT.VN).
Từ thông tin phản hồi của người tiêu dùng, phóng viên (trong vai khách hàng) đã trực tiếp tới một số chi nhánh của Bếp Tốt để kiểm chứng. Tại đây, phóng viên được nhân viên hệ thống siêu thị Bếp Tốt tư vấn rất nhiều sản phẩm bếp từ đến từ nhiều thương hiệu với chất lượng, mẫu mã, giá cả khác nhau. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại hệ thống siêu thị Bếp Tốt có không ít sản phẩm bếp từ chưa được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định.
Trong khi đó, QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ KH&CN đã quy định rõ, các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, kinh doanh và nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải thực hiện công bố hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
|
|
Một sản phẩm bếp từ Samaragd không được gắn dấu CR theo quy định. Thông tin xuất cũng không ghi rõ quốc gia sản xuất mà chỉ ghi vỏn vẹn là "chính hãng" |
Vậy vì sao nhiều sản phẩm tại hệ thống siêu thị Bếp Tốt chưa được gắn dấu hợp quy theo quy định? Phải chăng những sản phẩm này chưa được chứng nhận và công bố hợp quy? Những sản phẩm chưa được chứng nhận có an toàn cho người sử dụng? Nếu như sản phẩm của siêu thị Bếp Tốt không đảm bảo theo quy chuẩn, người tiêu dùng có được bồi thường hay hoàn trả lại tiền nếu xảy ra vấn đề hay không?
Chủ doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm
QCVN 9:2012/BKHCN đã nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chuẩn. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật của quy chuẩn này.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận liên quan đến EMC của thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).
|
|
Sản phẩm bếp từ Fagor cũng không được gắn dấu hợp quy.
|
Mặc dù trách nhiệm của doanh nghiệp đã được quy định rõ, tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với bà Đỗ Thị Giang, chủ sở hữu hệ thống siêu thị Bếp Tốt (BEPTOT.VN) thì bà Giang ngay lập tức chối bỏ trách nhiệm, đồng thời cho rằng việc thực hiện quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 9:2012/BKHCN thuộc về các nhãn hàng, còn hệ thống siêu thị Bếp Tốt chỉ là đơn vị phân phối. Tuy nhiên, chiểu theo nội dung nêu trong QCVN 9:2012/BKHCN thì dù là đơn vị sản xuất, nhập khẩu hay kinh doanh bếp điện từ đều có trách nhiệm thực hiện quy chuẩn này.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chủ một doanh nghiệp lại "mù mờ" về quy định liên quan tới chất lượng, độ an toàn của sản phẩm và đổ hết trách nhiệm cho hãng? Nếu sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy theo QCVN 9:2012/BKHCN, liệu sản phẩm có đảm bảo chất lượng và an toàn cho khách hàng mua bếp tại Bếp Tốt hay không? Trách nhiệm của Bếp Tốt đối với vấn đề đảm bảo chất lượng cho sản phẩm là như thế nào?
Đối với vấn đề này, đề nghị Thanh tra Bộ KH&CN, Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.