Vàng miếng diễn biến khó đoán

Sáng 26/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 82,4-84,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 400.000 đồng mỗi chiều so với giá đóng cửa phiên hôm trước. Chênh lệch giữa chiều mua và bán duy trì ở 2,3 triệu đồng.

Vàng nhẫn có giá 73,25-74,95 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 mỗi chiều khi mở cửa phiên sáng.

leftcenterrightdel
 

Giá vàng miếng có xu hướng biến động mạnh trước diễn biến Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu. Hôm qua, phiên đấu thầu thứ hai dự kiến tổ chức với 16.800 lượng vàng miếng SJC song đã bị thông báo hủy vào phút chót do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.324 USD/ounce, tăng 9 USD so với trước đó. Mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn thế giới khoảng 12,5 triệu đồng, còn vàng nhẫn chênh với thế giới khoảng 3,5-4,5 triệu, tùy thời điểm.

Kim loại màu vàng diễn biến trồi sụt trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng để biết thêm về đường hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ lần lượt được công bố vào thứ 5 và thứ 6 (giờ Mỹ). Các nhà giao dịch đang kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9.

leftcenterrightdel
 Giá vàng miếng đảo chiều liên tục (Ảnh: Thành Đông)

Matt Simpson - chuyên gia phân tích cấp cao của City Index - cho rằng giá vàng có thể sẽ giảm mạnh nếu các báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường. Bất cứ dấu hiệu tăng bất ngờ nào cũng sẽ tạo thêm khả năng duy trì chính sách tiền tệ tích cực trong thời gian lâu hơn nữa của Fed. Điều đó sẽ đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ lên cao còn giá vàng sụt giảm.

Vàng có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng các chuyên gia vẫn giữ tâm lý lạc quan với kim loại quý trong dài hạn. Jonathan Rose - Giám đốc điều hành của Genesis Gold Group - cho rằng vàng sẽ còn tăng cao hơn khi một loạt quốc gia tiến hành bầu cử trong năm nay, xung đột dai dẳng và nợ Mỹ gia tăng. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương hiện có nhu cầu rất lớn đối với vàng.

Giá USD trong ngân hàng vẫn ở mức trần

USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 105,68 điểm, giảm nhẹ 0,16% so với trước đó song vẫn tăng 4,3% từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.264 đồng, giảm 18 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.033-25.458 đồng.

Các ngân hàng giảm 10-18 đồng mỗi chiều theo diễn biến của tỷ giá trung tâm, song chiều bán vẫn ở kịch trần. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.118-25.458 đồng. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.080-25.458 đồng.

Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.620-25.700 đồng/USD (mua - bán), tăng 100 đồng ở chiều mua và giữ nguyên chiều bán so với trước đó.

Nguồn dantri
Link bài gốc

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-mieng-sjc-xoay-nhu-chong-chong-20240425233154153.htm