Nhiều lần từ chối cho khách xem trực tiếp sản phẩm

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng bếp từ trở thành xu hướng chung của những hộ gia đình tại các thành phố lớn. Chính nhu cầu từ thị trường lớn đã kéo theo hàng loạt thương hiệu bếp từ “đổ bộ” vào thị trường Việt và các nhà phân phối mọc lên như nấm để chia nhau “miếng bánh" thị phần.

Bên cạnh lợi ích tích cực mặt hàng bếp từ đem lại và sự đa dạng chủng loại, địa điểm bán giúp người mua lựa chọn thì mặt trái của vấn đề là thật giả lẫn lộn hay những loại bếp từ có chất lượng kém. Theo tìm hiểu của phóng viên, bếp từ tại Việt Nam hiện rất đa dạng mẫu mã sản phẩm, từ tầm thấp, tầm trung đến cao cấp. Giá bếp từ trên thị trường cũng đa dạng, dao động từ vài triệu đến vài chục triệu. Chính sự cạnh tranh gay gắt mà thị trường bếp từ thời gian gần đây có nhiều sự nhiễu loạn, đặc biệt là về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Riêng về chất lượng bếp điện, bếp điện từ... Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Tới năm 2018, phần sửa đổi 1 của quy chuẩn bổ sung thêm sản phẩm bếp điện từ vào danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN trước khi đưa ra thị trường. Quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp từ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Mặc dù quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp điện từ đã có từ lâu, tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn có những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dòng sản phẩm này chưa thực hiện đúng quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm theo QCVN 9:2012/BKHCN.

leftcenterrightdel
 Văn phòng Công ty TNHH Cores Việt Nam.

Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện dòng sản phẩm bếp từ Cores có nguồn gốc từ Thái Lan, được phân phối bởi Công ty TNHH Cores Việt Nam. Công ty này có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 2, ngõ 45 Đường Sơn Đồng Cát Quế, Xã Sơn Đồng, Huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Địa chỉ thực tế công ty hiện ở số 55 Đường Sơn Đồng Cát Quế, Xã Sơn Đồng, Huyện Hoài Đức. Ông Nguyễn Viết Chiến là Giám đốc công ty này.

Trong vai khách hàng, phóng viên đã liên hệ tới số điện thoại đường dây nóng của Công ty TNHH Cores Việt Nam. Nghe mong muốn của phóng viên về việc tìm hiểu sản phẩm bếp từ Cores, nhân viên nữ trực đường dây nóng ngay lập tức báo rằng sẽ có nhân viên của công ty phụ trách địa bàn Hà Nội liên hệ để tư vấn sản phẩm. 

Chỉ ít giờ sau, phóng viên nhận được cuộc gọi của một người đàn ông xưng tên là H.A, phụ trách kinh doanh sản phẩm bếp từ Cores khu vực Hà Nội. Khi phóng viên ngỏ ý muốn xem trực tiếp sản phẩm bếp từ Cores thì nhân viên này đồng ý và nói sẽ mang sản phẩm trực tiếp đến cho phóng viên xem. Thậm chí, người này còn hẹn phóng viên tới một quán cafe tại khu vực Đan Phượng để tư vấn, giới thiệu sản phẩm. Trong quá trình di chuyển trên đường, nhân viên này gửi cho phóng viên một số hình ảnh, thông tin sản phẩm và nói đây là hình chụp thực tế sản phẩm.

Tuy nhiên, khi đến điểm hẹn thì không thấy nhân viên này mang theo sản phẩm thực tế như đã hứa. Thay vào đó, nhân viên tên H.A chỉ chăm chú vào việc giới thiệu sản phẩm, quảng cáo về tính năng, công dụng bếp từ Cores. Nhân viên này cũng hứa hẹn nếu phóng viên mua hàng ngay sẽ nhận được nhiều ưu đãi, chiết khấu giá cao. Trong cuộc trò chuyện, người này cũng liên tục nói về các cơ chế ưu đãi, khuyên phóng viên nên mua sản phẩm ngay.

Khi phóng viên kiên quyết đòi xem thực tế sản phẩm, nhân viên này hứa sẽ mang cho phóng viên xem vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, ngày hôm sau, nhân viên này lại nói bận đi làm xa nên về không kịp, do đó không thể mang mẫu sản phẩm trực tiếp cho phóng viên xem.

leftcenterrightdel
 Website giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Cores Việt Nam.

Sau đó, phóng viên gọi điện tới đường dây nóng của Công ty TNHH Cores Việt Nam và bày tỏ mong muốn được xem trực tiếp sản phẩm thì nhân viên trực tổng đài nói rằng, tại địa chỉ văn phòng công ty (số 55 đường Sơn Đồng Cát Quế, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) không có sản phẩm mẫu để xem. Nhân viên trực tổng đài một lần nữa nói rằng, trường hợp của phóng viên sẽ giao cho nhân viên H.A phụ trách tư vấn sản phẩm và xem hàng trực tiếp.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, phóng viên (trong vai khách hàng) đã nhiều lần bị từ chối yêu cầu xem trực tiếp sản phẩm. Vậy vì sao nhân viên Công ty TNHH Cores Việt Nam lại ngăn không cho khách hàng xem sản phẩm thực tế trong khi đây là nhu cầu thiết thực nhất của khách hàng? Liệu Công ty TNHH Cores Việt Nam có đang che giấu điều gì về sản phẩm hay không?

Từ chối cho khách hàng xem giấy chứng nhận, nói có thể "mua được"

Quá trình trao đổi thông tin về sản phẩm bếp từ Cores, phóng viên nhiều lần gặng hỏi nhân viên H.A về việc sản phẩm bếp từ Cores đã được chứng nhận hợp quy theo QCVN 09:2012/BKHCN hay chưa. Tuy nhiên, nhân viên này liên tục lảng tránh sang vấn đề khác khi phóng viên đề cập tới chứng nhận.

Chỉ tới khi thấy phóng viên nói rằng sản phẩm cần có chứng nhận mới yên tâm sử dụng, nhân viên này mới rút điện thoại ra cho phóng viên xem một số giấy tờ liên quan tới sản phẩm. Tuy nhiên, những giấy tờ nhân viên này cho phóng viên xem chỉ là giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, chứng minh số lượng, kiểu loại sản phẩm chứ không phải giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm theo QCVN 09:2012/BKHCN.

leftcenterrightdel
Sản phẩm bếp từ Cores không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định. 

Phóng viên tiếp tục hỏi và bày tỏ mong muốn được xem giấy chứng nhận QCVN 09:2012/BKHCN thì nhân viên H.A nói rằng "giấy này công ty nào làm bếp chẳng có, mua được hết ấy mà". Tuy nhiên, người này vẫn từ chối cho phóng viên xem giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm bếp từ Cores theo QCVN 09:2012/BKHCN. Ngoài ra, nhân viên H.A còn gửi cho phóng viên xem ảnh, video quay sản phẩm bếp từ Cores. Tuy nhiên, trên sản phẩm, không có dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định).

Điều này đặt ra nghi vấn liệu có phải sản phẩm bếp từ Cores chưa được chứng nhận hợp quy theo QCVN 09:2012/BKHCN? Vì sao nhân viên của Cores không cho khách hàng xem chứng nhận hợp quy sản phẩm? Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm bếp từ theo theo QCVN 09:2012/BKHCN có mua được như nhân viên này nói?

Sản phẩm bếp từ không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi

Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

- Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

- Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

- Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

- Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

- Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

- Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

- Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/cong-ty-tnhh-cores-viet-nam-kinh-doanh-kieu-map-mo-chat-luong-san-pham-lieu-co-dam-bao-d214503.html