|
|
Cục Thuế TPHCM cho biết sẽ đưa Công ty Yến sào Hubnest vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên, do việc kê khai chuyển chứng khoán phái sinh có trị giá lớn. (Nguồn: FB Công ty Yến sào Hubnest) |
Xuất hóa đơn theo giá khớp lệnh?
Theo quy định về thuế, tại Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ Tài chính, quy định về dịch vụ phái sinh cho nhà đầu tư chứng khoán thì “Giá thanh toán là giá khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Giá thanh toán cuối ngày là mức giá được xác định cuối ngày giao dịch để tính toán lãi lỗ hàng ngày của các vị thế”.
Trong một văn bản ngày 17/4/2023 của Tổng cục thuế Hà Nội gửi Công ty cổ phần đầu tư Melchi Capital được đăng tải trên web Thuvienphapluat.vn, doanh nghiệp được hướng dẫn: “Đơn giá cho hóa đơn xuất bán chứng khoán phái sinh giao dịch trên sàn chứng khoán là giá thanh toán khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 58/2021/TT-BTC".
Yến Sào Hubnest giải trình với Chi cục thuế quận Bình Thạnh (TP.HCM) rằng, công ty kinh doanh yến sào nhưng thực tế phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua một công ty chứng khoán lớn bằng phương thức khớp lệnh.
Doanh thu phát sinh trong quý I/2023 lên đến hơn 34.574 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp là 2,5 tỷ đồng, là do vòng quay vốn lớn.
Được biết, tỷ lệ ký quỹ giao dịch phái sinh tại Công ty chứng khoán HSC nơi Yến Sào Hubnest thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh là 17%. Đây là mức tối thiếu do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt nam (VSD) quy định và được áp dụng tại nhiều công ty chứng khoán lớn khác, chẳng hạn như SSI.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của con số 34.000 tỷ đồng doanh thu được xuất hóa đơn từ đầu tư chứng khoán phái sinh.
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, con số này là xác thực, căn cứ vào số liệu thống kê cuối tháng công ty chứng khoán gửi đến chủ tài khoản.
Áp theo quy định về thuế, nhà đầu tư là doanh nghiệp sẽ xuất hóa đơn căn cứ vào doanh thu cuối tháng được thống kê bởi công ty chứng khoán gửi đến khách hàng. Doanh thu này tính trên giá trị hợp đồng phái sinh là giá khớp lệnh như quy định tại Thông tư 58 nói trên chứ không phải trên số vốn ký quỹ tương ứng.
Lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp là chênh lệch từ giao dịch mua - bán một hợp đồng, nhân với số hợp đồng và ngược lại là lỗ nếu chênh lệch giữa các giao dịch mua bán là con số âm.
Theo các môi giới trong ngành, con số 34.000 tỷ đồng doanh thu phát sinh từ giao dịch hợp đồng phái sinh chỉ số VN30 hoàn toàn có thể xảy ra. Con số này không lớn, không có khả năng tác động đến thị trường nhưng với một cá nhân (giao dịch qua tài khoản công ty do mình làm chủ như trường hợp của Yến Sào Hubnest) thì mức độ giao dịch này là lớn. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đã “mạnh tay” giao dịch tần suất cao.
|
|
Sau khi lãi 14,2 tỉ đồng từ chứng khoán phái sinh, công ty yến sào tại Bình Thạnh đã đóng tài khoản chứng khoán - Ảnh: T.L. |
Từ thực tế phát sinh, cần quan tâm điều gì?
Lần đầu tiên xuất hiện một công ty mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh với doanh thu (ghi nhận trên giá hợp đồng danh nghĩa) lớn như vậy khiến Chi cục thuế Bình Thạnh thực sự lúng túng.
Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, câu hỏi cần đặt ra là tại sao một cá nhân giao dịch chứng khoán dùng tài khoản của công ty. Đó là do khác biệt về cách tính thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân chứng khoán ngay mỗi lần giao dịch theo tỷ lệ 0,1% giá chuyển nhượng từng lần. Giá chuyển nhượng từng lần là (Giá thanh toán hợp đồng tương lai x Hệ số nhân hợp đồng x Số lượng hợp đồng x Tỷ lệ ký quỹ ban đầu)/2 .
Trong khi đó, với nhà đầu tư tổ chức trong nước thì tính theo thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, Yến Sào Hubnest chỉ nộp thuế thu nhập khi công ty này kinh doanh có lãi, bao gồm cả hoạt động đầu tư phái sinh và hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh yến sào thay vì nộp thuế bất kể lãi hay lỗ như nhà đầu tư cá nhân giao dịch sản phẩm phái sinh.
Ông Chí cho rằng, nếu doanh nghiệp chủ động xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu, cơ quan thuế có thể kiểm soát, nhưng có tình huống được đặt ra từ thực tế này là nếu doanh nghiệp mở nhiều tài khoản giao dịch, rút tiền mặt từ tài khoản công ty, nộp tiền mặt vào tài khoản công ty chứng khoán, không để lại dấu vết trên tài khoản ngân hàng thì chưa chắc cơ quan thuế đã biết doanh nghiệp có phát sinh hoạt động giao dịch. Doanh nghiệp có thể hạch toán tài khoản giao dịch lỗ để né thuế, hay trốn thuế khi không khai báo tài khoản giao dịch có lợi nhuận.
“Nếu doanh nghiệp giao dịch tiền mặt để nộp vào tài khoản chứng khoán thì cơ quan thuế vô phương biết, chưa kể giao dịch 1 năm xong doanh nghiệp đóng tài khoản qua công ty chứng khoán khác giao dịch”, ông Chí nói.
Tình huống thực tế này giúp cơ quan thuế nghiên cứu để bổ sung các quy định nhằm thực hiện kiểm soát thu thuế của các tổ chức doanh nghiệp trong nước có hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh.