Một phân tích do nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Sant Orsola-Malpighi ở Bologna, Ý đã tiến hành cho thấy những người thường xuyên uống cà phê có chỉ số huyết áp ngoại vi và trung tâm ổn hơn đáng kể so với những người không uống cà phê.
"Nghiên cứu được thực hiện trên quy mô lớn. Theo đó, người uống khoảng 3 tách cà phê trở lên mỗi ngày có huyết áp ngoại vi và trung tâm thấp hơn so với những người không uống tách cà phê nào" - tác giả nghiên cứu Arrigo F. G. Cicero, giáo sư tại Đại học Alma Mater Studiorum tại Bologna, cho biết.
Khoảng 66% người Mỹ uống cà phê hàng ngày nhiều hơn bất kỳ loại đồ uống nào khác kể cả nước lọc. Thức uống này có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của cả 1 quốc gia.
Nghiên cứu mới cộng với lượng lớn nghiên cứu trước đó giúp làm rõ hơn về mối quan hệ giữa cà phê và sức khỏe tim mạch và làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa caffeine và huyết áp.
"Caffeine chỉ là một trong số nhiều thành phần của cà phê và chắc chắn không phải là thành phần duy nhất có vai trò phản ứng. Caffeine có thể làm tăng huyết áp, nhưng các thành phần sinh học khác trong cà phê dường như cân bằng lại tác động này và tạo ra kết quả tích cực đối với huyết áp", ông Cicero nói.
|
|
Uống 3 cốc cà phê mỗi ngày có thể giúp cân bằng huyết áp. Ảnh minh họa. |
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về thói quen uống cà phê được báo cáo từ người tham gia, cũng như đọc kết quả huyết áp và các chỉ số sức khỏe tim mạch khác.
"Kết quả rất rõ ràng: huyết áp ngoại vi ở những người tiêu thụ từ một đến 3 tách cà phê mỗi ngày thấp hơn đáng kể so với những người không uống cà phê", Cicero chia sẻ.
Nghiên cứu đã đưa ra những khía cạnh mới về mối liên hệ giữa cà phê và huyết áp mà trước đây chưa từng được đề cập một cách rõ ràng.
"Nhóm nghiên cứu phát hiện giữa cà phê và những người bị huyết áp thấp có mối liên hệ là đúng khi đo áp lực từ động mạch trung tâm và ngoại vi, nằm ở vị trí xa nhất so với tim," - Tiến sĩ Don Pham, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Memorial Hermann Southeast ở Houston, Mỹ cho biết.
Những lợi ích này được nhìn thấy mặc cho cà phê có chứa caffeine - điều làm cho các chuyên gia tin rằng bất kỳ tác động làm giảm huyết áp nào của cà phê đều đến từ chất chống oxy hóa có trong đồ uống này.
"Một lẽ tự nhiên, bạn có thể nghĩ rằng cà phê làm tăng huyết áp vì caffeine, nhưng thực tế, các chuyên gia tin rằng có một số hợp chất chống oxy hóa trong tách cà phê của bạn đang chống lại điều này để làm giảm huyết áp bị tăng của bạn," Tiến sĩ Pham nói.
Các chất chống oxy hóa trong cà phê (flavonoid, quercetin, axit caffeic và axit chlorogenic, tannin) có thể tạo ra tác động chống viêm trên thành nội mạch, tạo ra một loại tác động chống lão hóa trên mạch máu. Điều này có thể ngăn chặn sự cứng động thành mạch. Trên thực tế, nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng flavonoid như quercetin có thể giúp điều chỉnh huyết áp. Axit chlorogenic và axit caffeic cũng đã được liên kết với các con số huyết áp thấp hơn.
Các bác sĩ Bệnh viện Vinmec cho rằng, đối với hầu hết người dùng, việc tiêu thụ cà phê ở mức vừa phải dường như không có ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp hoặc nguy cơ mắc bệnh tim - ngay cả với những người đã được chẩn đoán bị huyết áp cao. Một số hợp chất hoạt tính sinh học có trong cà phê có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm stress oxy hóa và viêm nhiễm.
Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thực phẩm khác, việc sử dụng quá nhiều caffeine là không nên, đặc biệt nếu người dùng đã bị huyết áp cao vì cafein có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc cân đối lượng cà phê tiêu thụ cũng quan trọng như việc cân bằng dưỡng chất từ các thực phẩm khác.
Hoạt động thể chất thường xuyên kết hợp với chế độ ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt vẫn là một trong những cách tốt nhất để cân bằng huyết áp và tăng cường sức khỏe của tim mạch.