Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 10 tháng qua, xuất khẩu sản phẩm bong bóng cá tra khô đạt giá trị trên 72 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Trung Quốc, chiếm đến 80% thị phần. Các thị trường khác như: Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ cũng tăng mạnh nhu cầu sản phẩm này.
|
|
Bong bóng cá tra khô xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh |
Ngoài ra, các sản phẩm chả cá tra, cá tra xông khói, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên cũng có doanh số xuất khẩu tăng từ 50 - 300% so với năm ngoái. Ngược lại, các sản phẩm truyền thống như cá tra phi lê đông lạnh giảm 33%. Do các mặt hàng chính vẫn sụt giảm nên cả ngành hàng này vẫn sụt giảm đến 29% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự với con tôm xuất khẩu các sản phẩm chủ lực giảm nhưng nhóm hàng thứ phẩm như ruốc khô cũng có đơn hàng tăng từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Úc… Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sản phẩm này tăng 20% so với cùng kỳ đạt trên 17,4 triệu USD.
Một số loài cá biển thuộc dòng sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để gia công, xuất khẩu gồm cá minh thái, cá tuyết, cá cam có kết quả xuất khẩu cao hơn so với năm trước. Theo đó, xuất khẩu cá tuyết tăng 30%, cá cam tăng 50%, cá thu tăng 19%, cá bơn tăng 40%, cá hố tăng 95%, cá ba thú tăng 244%, cá đuối tăng 32%...
VASEP nhận định: Bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhìn chung, các thị trường đang hồi phục khá chậm. Đáng chú ý, tháng 10 thường là tháng cao điểm nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 825 triệu USD, thấp hơn 9% so với cùng kỳ và thấp hơn so với mức đỉnh hồi tháng 8.2023 là 859 triệu USD. Dự báo đến hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản có thể về đích với con số khoảng 9 tỉ USD, giảm 21% so với năm 2022.