Có lẽ thiết kế mỹ thuật đang “bị xem nhẹ” nên hiện nay trong một số bộ phim đã được trình chiếu chúng ta rất dễ dàng nhặt ra được những “hạt sạn” về thiết kế mỹ thuật, về đạo cụ, đặc biệt là về trang phục của nhân vật. Ở đây thấy thấp thoáng chuyện tùy tiện trong sử dụng trang phục cho nhân vật.

leftcenterrightdel
 Phục trang trong phim “Kiều”

Ví dụ: Cứ nhân vật là võ tướng thời xưa thì phải ăn vận cân đai giáp trụ, phải vung gươm và đi đứng phải dậm chân thình thịch. Do đó họa sĩ thiết kế mỹ thuật cứ tiện đâu có loại trang phục gọi là có vẻ hợp là đưa vào sử dụng mà không quan tâm trang phục ấy là của ta hay của nước ngoài, là thời đại nào, thời điểm lịch sử nào.

Lại có những bộ phim truyền hình lấy bối cảnh và không gian xưa để khai thác. Do vậy diễn viên cứ ăn vận trang phục kiểu cũ như áo bà ba, quần ta, guốc mộc mà diễn. Chỉ hiềm nỗi, đã là bá hộ hay địa chủ thì quần áo sáng láng, mượt mà. Còn đã là nông dân thì quần áo vá, tuy nhiên áo quần vá đụp nhưng chất vải thì mới toanh và dĩ nhiên có dăm miếng vá thì cũng mới.

Nói thật, trên sân khấu thì chấp nhận được vì sân khấu là ước lệ nên người xem không mấy khi thắc mắc gì đến áo quần cũ mới. Còn trên phim truyện, áo quần nông dân mới toanh thì không ổn, tệ nhất là nhìn miếng vá mà tưởng đang xem kịch. Do đó, trang phục trên phim gì thì gì cũng phải “thật” chứ không ước lệ được.

Hay có những bộ phim truyền hình nếu như nội dung là cảnh bộ đội ta chiến đấu chẳng hạn thì trang phục của bộ đội nào chả là trang phục của bộ đội. Thành thử xem phim nói về thời chống Pháp mà quần áo bộ đội y chang thời chống Mỹ, chưa kể còn mới tinh nữa. Xem những phim có trang phục kiểu “có cho nó có" ấy rất phản cảm. Ở đây tôi xin mở rộng đến phim tài liệu, một thể loại phim phản ánh chân thực chứ không có đóng vai, có diễn xuất, do vậy các nhà làm phim tài liệu trẻ rất “hồn nhiên” khi không phân biệt được tư liệu mà họ đưa vào phim có hợp lý không? Có đúng thời điểm thời gian không?

Nhiều phim tôi xem thấy vô lý. Đơn cử như việc làm phim tài liệu lịch sử hoặc có yếu tố lịch sử thì họ cứ bạ đâu bê đấy. Cảnh chiến đấu ở miền Bắc lại đưa vào miền Nam. Cảnh chiến đấu chống Mỹ lại đưa vào cảnh chiến đấu chống Pháp... và nhiều lắm những vô lý sử dụng cảnh, lý do là thiếu hiểu biết và lý do nữa là họ làm “tắt” vì cho rằng phim tài liệu không cần thiết kế mỹ thuật?

leftcenterrightdel
Phim “Người vợ cuối cùng” nhận được nhiều lời khen về phục trang

Trở lại với bộ phim “Đất rừng phương Nam” thì thấy rõ ràng việc dư luận phản ứng nằm ở hai điểm: Điểm thứ nhất là thời điểm của phim khi mà các tác giả phim cho rằng họ chuyển thể hoặc dựa vào nguyên tác của tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Vậy mà làm phim thì các tác giả đã kéo lùi thời điểm. Điểm thứ hai mà dư luận phàn nàn là trang phục của diễn viên. Phim của người Việt và nói về người Việt thì hà cớ gì phải mặc trang phục giống phim nước ngoài.

Quay về câu chuyện mà tôi đã nói ở đầu. Đó là khâu thiết kế mỹ thuật cho một vở diễn, một bộ phim.

Theo như ông Hoàng Tiến Thắng, người đã học thiết kế mỹ thuật và giảng dạy môn tạo hình của khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội:

“Việc thiết kế mỹ thuật một vở diễn, một bộ phim, không chỉ là tạo dựng không gian, thiết kế phục trang hay hóa trang. Mà thông qua tác phẩm của mình họa sĩ thiết kế mỹ thuật khẳng định được vai trò là một thành tố trong nghệ thuật sân khấu và điện ảnh. Ngôn ngữ tạo hình trong thiết kế mỹ thuật cho tác phẩm sân khấu và điện ảnh có yêu cầu đặc thù bởi nó phải tuân thủ những quy định bắt buộc phục vụ cho mục đích của vở diễn, của bộ phim.

Đối với những tác phẩm sân khấu và điện ảnh thể hiện đề tài lịch sử thì vai trò của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật càng đòi hỏi sự nghiêm túc và những kiến thức sâu sắc về văn hóa, lịch sử, để tạo dựng không gian, thời gian cụ thể. Trong thực tế đã từng có những vở diễn, có bộ phim nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận, công chúng về tính chính xác lịch sử thông qua kiến trúc và trang phục”.

Ông Hoàng Tiến Thắng còn nói thêm: “Đành rằng nghệ thuật có hư cấu nhưng nhất thiết phải dựa vào những kiến thức lịch sử được ghi nhận. Khái niệm ước lệ đối với thiết kế mỹ thuật trong sân khấu cũng như trong điện ảnh dứt khoát phải tôn trọng lịch sử”.

leftcenterrightdel
 Trang phục của diễn viên trong phim “Đất rừng phương Nam” được cho là giống với trang phục của nước ngoài

Công bằng mà nói, khâu thiết kế mỹ thuật ở ta đã được dạy và đào tạo khá bài bản. Các thầy dạy môn này cũng đều là những họa sĩ nổi tiếng và đạt danh hiệu cao về chuyên ngành mỹ thuật và thiết kế mỹ thuật. Do đó không thể nói rằng chúng ta kém về thiết kế mỹ thuật. Tuy nhiên học phải đi đôi với hành và hành phải trên cơ sở đã được học có kết hợp với bổ sung kiến thức thông qua các lần đi tìm hiểu ở những nơi còn lưu giữ những kiến trúc và trang phục Việt xưa và nay.

Tôi có cảm tưởng hình như có ý nghĩ “đại khái” hoặc “làm cho xong vì chắc gì người ta đã biết”. Vì thế những lỗi sót về trang phục vẫn cứ xảy ra trên sân khấu và trong điện ảnh.

Theo đó, người làm thiết kế mỹ thuật không đơn thuần là học để làm họa sĩ. Tức là học xong để vẽ. Vẽ trong hội họa khác với vẽ trong thiết kế mỹ thuật cho một bộ phim. Do vậy người họa sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh rất cần là phải học đủ về kiến thức lịch sử hội họa. Nếu đã học lịch sử mỹ thuật thì người học sẽ nắm được về nhu cầu đặc diểm mỹ thuật của từng giai đoạn.

Dĩ nhiên phải nắm vững phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ để khi thiết kế mỹ thuật cho một bộ phim thì người họa sĩ thiết kế “phải nói được” về thời điểm lịch sử của nội dung phim để thiết kế mỹ thuật và lựa chọn trang phục cho đúng và phù hợp. Không thể tùy tiện thấy “có sẵn” và hao hao thì cứ thế mà bê vào.

Người họa sĩ thiết kế khi nhận là thiết kế cho một bộ phim ngoài đọc hiểu nội dung ra thì rất cần phải “tham khảo” về trang phục. Có nhiều cách để tham khảo. Ví như tìm hiểu qua các di tích danh thắng (việc này cũng cần thận trọng bởi hiện nay có một số di tích danh thắng được trùng tu thì bên bộ phận trùng tu cũng tùy tiện thay đổi cho tiện làm). Họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho điện ảnh là một công việc không đơn thuần là làm thiết kế.

Ở một góc độ nào đó thì họa sĩ thiết kế cũng là một nhà văn hóa, một nhà lịch sử và đương nhiên là đồng tác giả của một bộ phim.

Nói như vậy để nhớ rằng: Một bộ phim được sản xuất ra đúng hay chưa đúng về thiết kế, về trang phục, thì người chịu trách nhiệm không thể bỏ qua họa sĩ thiết kế.

Người họa sĩ thiết kế khi làm thiết kế cho một bộ phim bên cạnh việc khai thác thực tế, tức là khai thác những yếu tố có sẵn từ trong truyền thống ra thì tất nhiên phải có một tư duy có tính biện chứng. Nên nhớ công việc thiết kế mỹ thuật cho một bộ phim là: Không đùa được đâu!

Nguồn daidoanket
Link bài gốc

https://daidoanket.vn/trang-phuc-trong-phim-khong-the-tuy-tien-10269717.html