Sổ đỏ, nhà cửa đều thế chấp ngân hàng
Đinh Thế Cường (36 tuổi), người gốc Cẩm Phả, nuôi thuỷ hải sản ở đảo Đống Chén, Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này, sau khi bão tan hơn 1 tuần, anh và gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sức mạnh của nó quá khủng khiếp, cuốn bay gia sản hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản gây dựng của anh Cường trong nhiều năm trước đây không còn bất cứ thứ gì.
“Thứ còn lại duy nhất là món nợ ngân hàng gần 4 tỷ đồng, căn nhà và sổ đỏ đã thế chấp năm 2021 lấy tiền đầu tư”, anh Cường ngao ngán.
|
|
Bè mảng của anh Cường bị thổi bay lên bờ, chỉ còn lại xác, toàn bộ tài sản bị cuốn trôi ra biển. Ảnh: Xuân Thạch |
Tương tự, bà Hoàng Thị Thuỳ (45 tuổi), trú tại Khu 7, Thị Trấn Vân Đồn – Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời điểm chuyển từ phao xốp sang phao HDPE gia đình đã thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng Agribank để đầu tư. Sau đó, có mượn sổ của người em trai, thế chấp thêm, tiếp tục mở rộng sản xuất.
“Vừa mất trắng tiền đầu tư, xoá sổ toàn bộ tài sản của gia đình, trên lưng gánh khoản nợ gần 6 tỷ đồng, mỗi tháng trả phải trả lãi hơn 40 triệu đồng, đúng là không còn gì khổ hơn”, bà Thuỳ khóc kể.
|
|
Toàn bộ gia sản hơn 20 tỷ đồng của gia đình bà Thuỳ trên diện tích mặt nước vài chục ha bị cuốn phăng xuống biển, chỉ còn lại số ít phao hàu đã hư hỏng. Ảnh: Xuân Thạch |
Cùng cảnh nợ nần, anh Lày Văn Dân (34 tuổi), người gốc Hoa ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn cho biết, đang vô cùng hoang mang vì khoản nợ 8 tỷ đồng tại ngân hàng Vietinbank chưa biết sẽ trả gốc và lãi thế nào.
Anh Dân kể, toàn bộ bè nuôi cá khoảng 13 tỷ đồng của gia đình bị xoá sổ, trong đó chủ yếu là vốn vay. Không chỉ sổ đỏ của nhà, anh còn mượn sổ của người thân, chưa kể số tiền vay bên ngoài.
“Bây giờ không biết bắt đầu lại từ đâu, nuôi trồng ở biển khổ lắm, rủi ro như đánh bạc”, anh Dân buồn rầu nói.
Theo anh Dân, hiện phía ngân hàng gia đình anh vay đã có chính sách giảm lãi vay từ 8% xuống còn 6,5%/1 năm, chứ chưa có giãn nợ, giãn lãi cho người dân.
|
|
Lồng bè nuôi cá của anh Lày Văn Dân tan hoang sau khi cơn bão số 3 quét qua. Ảnh: Lày Dân |
Số liệu thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hậu bão số 3 toàn tỉnh có 2.637 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, trong đó có 1.872 cơ sở nuôi biển, 23 cơ sở nuôi tôm, 507 cơ sở nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tất cả đều thiệt hại nặng nề, phần nhiều mất trắng, chỉ riêng huyện Vân Đồn con số đã lên đến gần 2.300 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, phần lớn chủ các cơ sở nuôi trồng đều đã thế chấp tài sản như nhà cửa, sổ đỏ để vay vốn đầu tư cho sản xuất tại một số ngân hàng như Agribank, Vietinbank, Sacombank… Người dân Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên cho biết, người vay ít thì vài trăm triệu, người vay nhiều thì cũng trên chục tỷ đồng.
Đại diện một ngân hàng chi nhánh Vân Đồn cho biết, tổng số vốn vay hiện nay của người dân Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên… để nuôi trồng thuỷ hải sản lên đến vài trăm, thậm chí đến cả ngàn tỷ.
|
|
Căn nhà là tài sản còn lại duy nhất của gia đình bà Hoàng Thị Thuỳ, nơi ở của hơn 10 thành viên hiện đã thế chấp trong ngân hàng. Ảnh: Xuân Thạch |
Ngư dân cần nguồn vốn ưu đãi để tái thiết sản xuất
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi), đã có 20 năm sống chết với biển đau đáu, nhu cầu cấp thiết với người dân hiện nay là vốn để tái lập sản xuất. Nhưng có cái khó là gần như tài sản của người dân gồm nhà và đất đã thế chấp tại các ngân hàng, không còn tài sản để có thể thế chấp tiếp được.
“Ngân hàng vừa mới hỏi gia đình về việc còn tài sản nào thế chấp, để có thể được cấp thêm vốn. Nhưng trắng tay, làm gì còn”, ông Thành nói.
Ông Thành nêu, mong muốn, đầu tiên phía ngân hàng có thể giãn nợ, giãn lãi cho người dân trong khoảng 2-3 năm để đỡ áp lực về tài chính. Kế tiếp, với các tài sản thế chấp hiện có, ngân hàng có thể thẩm định lại, cấp vốn thêm cho người dân bắt đầu tái thiết sản xuất.
Anh Lày Văn Dân cho biết, người dân chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là được nhà nước và các ngân hàng tạo điều kiện về cấp vốn.
“Nếu có tiền, chúng tôi chỉ cần 2-3 năm để khôi phục lại sản xuất, người dân Vân Đồn chỉ còn 1 con đường là bám biển”, anh Dân khẳng định.
|
|
Anh Nguyễn Văn Phú (27 tuổi), chủ nhiệm HTX Ngư Long mong muốn được cấp thêm vốn để có thể khôi phục vùng nuôi trồng trong 2-3 năm tới. Ảnh: Xuân Thạch |
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, mới đây, Agribank đã áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt sau bão.
Cụ thể, đối với dư nợ hiện hữu tại thời điểm 06/9/2024, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank giảm từ 0,5% đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 06/9 – 31/12/2024.