Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, ngũ cốc nguyên hạt đã là một phần trong chế độ ăn của con người trong hàng chục ngàn năm qua. Ngoài việc cung cấp lương thực, việc ăn ngũ cốc nguyên hạt còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và chứng huyết áp cao.
Trong một nghiên cứu tại Mỹ với 250.000 người tham gia, ăn ngũ cốc nguyên hạt được cho là có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ đến hơn 14% so với việc dùng những thực phẩm thông thường. Ngoài ra, một số hợp chất có trong ngũ cốc nguyên hạt như vitamin K, chất xơ và chất chống oxy hóa cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ. Đó là lý do ngũ cốc nguyên hạt thường được khuyến khích trong chế độ ăn DASH để nâng cao sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
|
|
Ăn ngũ cốc nguyên hạt cần tránh mắc sai lầm. Ảnh minh họa. |
Các thực phẩm giàu chất xơ thường giúp bạn no lâu và hạn chế nạp thêm quá nhiều calo. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm liên quan tạo cảm giác no hơn ngũ cốc tinh chế và giảm nguy cơ béo phì. Đây là lý do vì sao các chuyên gia thường khuyến khích áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ trong kế hoạch giảm cân. Trên thực tế nếu chuyên cần ăn 3 phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày thì có thể giảm cả chỉ số khối cơ thể (BMI) lẫn lượng mỡ ở bụng.
Mặc dù là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng ngũ cốc nguyên hạt không phù hợp với tất cả mọi người và cũng có vài lưu ý khi ăn. Nếu như muốn tận dụng dinh dưỡng, lợi ích của nó cần tránh mắc những sai lầm dưới đây:
Lạm dụng ngũ cốc nguyên hạt
Khi muốn giảm cân hoặc biết đến những lợi ích sức khỏe từ ngũ cốc nguyên hạt, không ít người có xu hướng lạm dụng thực phẩm này. Ví dụ như ăn quá nhiều hoặc ăn nó mỗi ngày, thậm chí dùng nó thay thế cơm và các thực phẩm khác.
Tuy nhiên, ngũ cốc nguyên hạt không dễ tiêu hóa và hấp thu nên nếu ăn nó quá thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể, mắc bệnh đường tiêu hóa. Dù chứa nhiều dinh dưỡng nhưng nếu dùng nó làm lương thực chính thì vẫn không đủ, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt còn có thể gây tổn thương dạ dày, thực quản, ảnh hưởng tới da và tóc, giấc ngủ.
Thêm nhiều đường hoặc muối
Thêm đường cũng là một cách được dùng phổ biến để chế biến một số loại ngũ cốc nguyên hạt để chúng có vị ngon hơn. Nhưng nên biết rằng ngũ cốc nguyên hạt rất tốt cho sức khỏe vì hàm lượng đường thấp, và lượng đường này cũng được hấp thu chậm trong cơ thể nên giúp ổn định lượng đường trong máu.
Nếu cho thêm đường vào ngũ cốc nguyên hạt thì ưu điểm này sẽ mất đi. Khiến cơ thể càng dễ hấp thu polysaccharide, làm biến động đường huyết rất lớn, cực kỳ bất lợi cho sức khỏe. Điều này cũng tương tự với muối bởi hàng lượng natri. Vì vậy nên bỏ ít chất điều vị như đường, dầu và muối vào ngũ cốc càng ít càng tốt.
Nấu ở nhiệt độ quá cao hoặc nhiều dầu mỡ
Ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng song hương vị kém hấp dẫn. Để cải thiện, người ta thường chiên, rán thành các loại bánh ngọt, bánh rán. Vậy nhưng, cách chế biến này khiến hầu hết lượng vitamin B đa dạng của ngũ cốc nguyên hạt bị phá hủy.
Tương tự, nhiệt độ quá cao cũng dễ phá vỡ cấu trúc axit béo chuyển hóa trong ngũ cốc. Do vậy, người ăn khó có thể tiếp nhận lượng dinh dưỡng có lợi, thậm chí còn làm tăng gánh nặng cho quá trình trao đổi chất và gây bệnh cho cơ thể.
Không đậy nắp khi sôi hoặc nấu chín quá kỹ
Nấu ngũ cốc mà để nồi hở, không đậy nắp, nhiệt lượng sẽ tản ra rất nhanh, ngũ cốc không chín đều, nhất là khi nấu một lượng ngũ cốc lớn. Ngoài ra, không đậy kín ngũ cốc nguyên hạt trong quá trình sôi, nhất là nếu nấu lửa lớn thì sẽ khiến rất nhiều chất dinh dưỡng bị hao hụt.
Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt nên nấu chín mềm nhưng không nên nấu chín quá kỹ, trừ khi muốn làm nhân bánh, tương đậu. Bởi nấu nhiều tiếng đồng hồ làm giảm lượng chất xơ và dinh dưỡng, thay đổi mùi vị của ngũ cốc.
Một số người không nên ăn ngũ cốc nguyên hạt
Không phải ai cũng phù hợp để ăn loại thực phẩm tốt cho sức khỏe này. Nhiều khi nó còn gây hại cho cơ thể, làm một số bệnh tình thêm trầm trọng. Về cơ bản, có 5 nhóm người nên hạn chế hoặc tốt nhất là không ăn ngũ cốc nguyên hạt: Những người có chức năng dạ dày kém, hay khó tiêu (dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đau bụng); Những người thiếu sắt, canxi (do axit phytic và chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt cao dễ kết tủa, cản trở hấp thụ khoáng chất); Những người có hệ miễn dịch quá kém, suy nhược nặng (do ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ protein, sử dụng chất béo, khả năng chuyển hóa kém, gây áp lực cho nhiều cơ quan nội tạng); Người già và trẻ nhỏ (chỉ nên ăn ít bởi cơ thể khó hấp thụ, dễ suy dinh dưỡng); Những người mắc bệnh giãn tĩnh mạch thực quản, viêm loét dạ dày hay xơ gan (nếu ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt có thể dẫn tới vỡ, xuất huyết và viêm loét tĩnh mạch).