Quảng cáo "thần thánh" hóa việc sử dụng sữa tăng chiều cao cho trẻ

Đánh vào tâm lý muốn con cao lớn của nhiều cha mẹ, trong quảng cáo của một hãng sữa được sản xuất tại Việt Nam, những người nổi tiếng liên tục nhắc đi nhắc lại: "Cứ uống là cao, bất chấp bố mẹ thấp lùn. Cam kết trẻ cao 3 - 5cm sau 3 tháng. Dùng cho trẻ từ 3 - 15 tuổi".

Thậm chí, người này còn khẳng định thấp còi do dinh dưỡng, "nấm lùn" bẩm sinh, uống các loại canxi không cao nhưng uống sữa chắc chắn sẽ cao. Những quảng cáo này tràn lan trên các nền tảng bán hàng trực tuyến, mạng xã hội.

Ghi nhận trên nền tảng Tiktok cũng xuất hiện rất nhiều video quảng cáo sữa phát triển chiều cao như: Sữa phát triển chiều cao tốt nhất hiện nay; sữa giúp trẻ thấp còi cao lớn nhanh chỉ sau 2 tháng; sữa phát triển chiều cao theo độ tuổi uy tín nhất...

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của trẻ tăng trưởng dựa trên nhiều yếu tố. Cụ thể, chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng bởi di truyền, dinh dưỡng, chế độ vận động, thể dục và các yếu tố môi trường sống, chế độ nghỉ ngơi…

Nhận định về việc những loại sữa quảng cáo cam kết tăng chiều cao cho trẻ, bác sĩ Hưng cho rằng thực tế theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi trẻ từ 3 - 5 tuổi có thể tăng chiều cao từ 0,5 - 0,7cm/tháng.

"Như vậy, dù không uống sữa thì ở giai đoạn này trẻ có sự phát triển chiều cao rất tốt. Bên cạnh đó, việc bổ sung các thực phẩm giàu canxi không chỉ có sữa mà còn nhiều nhóm thực phẩm khác", bác sĩ Hưng phân tích.

Mới đây, WHO đã công bố báo cáo toàn cầu mới tiết lộ nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam. Trong đó, thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.

leftcenterrightdel
Nhiều quảng cáo sữa cao lớn trên không gian mạng gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa. 

WHO chỉ rõ các sản phẩm sử dụng hình ảnh tuyên bố sai lệch về khoa học, sữa công thức gắn bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ, bao gồm dưỡng chất HMO và DHA. Đặc biệt, việc tiếp thị sữa công thức đang tiếp cận đến các đối tượng là nhân viên y tế. Lý do là bởi các cán bộ y tế có thể tiếp cận cá nhân, có vai trò đáng tin cậy và là kênh giáo dục chính về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Theo bác sĩ Hưng, việc tiếp thị sữa, những lời quảng cáo "thần thánh" hóa việc sử dụng sữa công thức có thể giúp trẻ cao lớn, thông minh. Trong khi đó, với trẻ dưới 5 tuổi việc bổ sung canxi, kẽm, protein cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn.

Đối với trẻ đã có cân nặng và chiều cao hợp lý, cha mẹ có thể sử dụng các thức uống dinh dưỡng theo sở thích của trẻ. Ngoài ra, cần bổ sung đa dạng nhóm chất hằng ngày như bột đường, chất béo, đạm và vitamin từ rau củ quả.

"Việc tăng trưởng chiều cao của trẻ phụ thuộc vào hai yếu tố là thay đổi được và không thay đổi được. Về di truyền không thể thay đổi được. Chúng ta cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống. Chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ tập luyện thể thao, ngủ đủ giấc", bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Nên cảnh giác với những sản phẩm "gắn mác" sữa bán trên mạng

Theo bác sĩ Hưng, hiện nay nhiều loại thức uống dinh dưỡng được "gắn mác" là sữa nhưng không phải sữa. Nhiều người vẫn tưởng rằng các loại bột pha đều là sữa. Thậm chí, các loại bột ngũ cốc cũng gọi là sữa. Nhiều loại có giá rất đắt nhưng vì nghĩ rằng tốt, giúp con phát triển "toàn diện" nên nhiều cha mẹ vẫn cố gắng bổ sung cho con.

"Nhiều cha mẹ khi mua sữa chỉ nghe theo lời quảng cáo mà ít quan tâm đến thành phần trong đó. Các thành phần trong sữa rất quan trọng, về hàm lượng, các chất bổ sung. Bên cạnh đó, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cần chú ý về độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng, thích ứng và hấp thu của trẻ. Ở mỗi độ tuổi, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng và tập luyện khác nhau", bác sĩ Hưng nói.

Ngoài ra, tình trạng nhiều cha mẹ thấy con biếng ăn, thấp còi sẽ tìm đến các loại sữa công thức, thậm chí đổi nhiều loại sữa vì cho rằng con chưa "hợp sữa".

Theo bác sĩ Hưng, khi cha mẹ nhận thấy con đang tăng trưởng thấp hơn so với tiêu chuẩn, lo lắng con bị suy dinh dưỡng thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng, nguyên nhân, loại trừ các bệnh lý.

Bên cạnh những sản phẩm sữa dành cho trẻ em được quảng cáo thổi phồng thì có nhiều sản phẩm dành cho người lớn cũng gắn mác là sữa như "Sữa tiểu đường "sữa non tiểu đường",... tất cả đều là những quảng cáo chưa đúng về một nhãn hàng thực chất chỉ là thực phẩm chức năng, được cấp phép bởi một đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội. Đáng nói, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lại ra sức quảng cáo, tiếp tay cho sự dối trá này.

Hồi cuối tháng 3/2023 Cục An toàn thực phẩm phát cảnh báo đến người tiêu dùng về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet quảng cáo sai sự thật, đề nghị không căn cứ vào các nội dung quảng cáo ở một số địa chỉ để mua và sử dụng sản phẩm. Nutrizabet là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hiện được một số địa chỉ giới thiệu là sữa hạt hỗ trợ giảm và ổn định đường máu, giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường.

Trao đổi với Lao Động, BS Hưng cho biết, để được gọi là sữa cần phải đáp ứng đúng các điều kiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm sữa dạng bột phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

Quy chuẩn quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT Đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng

Quy chuẩn này quy định các mức giới hạn an toàn và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm nhóm sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng), sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng, sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng, nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng.

Quy chuẩn trên cũng yêu cầu đối với sữa tươi nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sữa dạng lỏng phải bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản phẩm sữa dạng lỏng tuân thủ quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm.

Trong trường hợp chưa quy định phương pháp thử tại Quy chuẩn này, Bộ Y tế sẽ quyết định phương pháp thử căn cứ theo các phương pháp hiện hành trong nước hoặc ngoài nước đã được xác nhận giá trị sử dụng.

Việc ghi nhãn các sản phẩm sữa dạng lỏng phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trên mặt chính của nhãn sản phẩm phải ghi rõ bản chất của sản phẩm theo quy định tại Quy chuẩn này.

Các sản phẩm sữa dạng lỏng được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.

Phương thức, trình tự, thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 11 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/can-trong-voi-nhung-san-pham-gan-mac-sua-d213199.html