Theo Trung tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Bằng, giảng viên bộ môn Máu - Độc - Xạ và bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Quân y 103, mật cá trắm cũng như mật động vật có một số tác dụng nhỏ như tăng cường tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, trong mật cá trắm chứa cồn rất độc cho cơ thể, có thể gây xuất huyết, tổn thương ống thận, gan, suy thận cấp. Khi ngộ độc mật cá trắm, bệnh nhân có thể nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, vật vã, hôn mê, co giật, tiểu tiện ít, phù.

Cá trắm càng lớn thì lượng chất độc trong mật càng nhiều. Không chỉ cá trắm mà các loại cá như cá chép, trôi, cá anh vũ cũng đều chứa lượng chất độc. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.

Đồng quan điểm bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân y 108 cho biết, dân gian truyền tai nhau mật cá trắm chữa bách bệnh, giúp các quý ông “yêu” khỏe hay chống suy nhược cơ thể, giúp da dẻ chị em hồng hào, mịn màng hơn.

Tuy nhiên từ xưa tới nay không hề có sách thuốc nào nói đến việc uống mật cá trắm tươi để cải thiện sức khỏe, nâng cao sinh lực. Bên cạnh đó chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh, mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá dẫn đến tử vong.

leftcenterrightdel
Tuyệt đối không nuốt mật cá trắm để chữa bệnh. Ảnh minh họa. 

Trong y học cổ truyền, mật cá trắm chỉ được nhắc đến với công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, chữa mắt sưng đỏ đau, đau họng, lở loét do nhiệt. Cách sử dụng chủ yếu là dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) với mật đã được sấy khô và thường kết hợp với nhiều thành phần khác. Vị chuyên gia khuyến cáo người dân không nên nghe lời đồn thổi nuốt mật cá trắm, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc.

Thực tế, trong những năm gần đây, nước ta vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm. Cụ thể, trước đó vào ngày 10/7/2022, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 8 người trong cùng một gia đình ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trào ngược, hôn mê. Nguyên nhân gây ngộ độc nghi là uống mật cá trắm.

Theo ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, thời gian vừa qua nhiều người sử dụng mật cá trắm pha rượu để uống, hoặc nuốt mật cá trắm chữa bệnh. 

Liên quan tới mật cá trắm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu; màng đáy và vỏ Bowmann phù nề, ống thận tổn thương nặng nề ở mức độ khác nhau, đặc biệt ở vùng ống lượn liên bào ống thận mất riềm bàn chải, sưng đục, thoái hoá; gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu.

Nguyên sinh chất tế bào gan sưng đục hoặc thoái hoá, hạt có nhân đông, khoảng cửa xung huyết không có phì đại, xơ hóa. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá trắm có tác dụng chữa bệnh, mà trên thực tế có nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến ngộ độc và tử vong. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/chuyen-gia-canh-bao-mat-ca-tram-khong-co-tac-dung-chua-benh-tranh-dung-d213809.html