Dù cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân gây cháy nhưng hiện trường vụ cháy chung cư mini cho thấy bắt nguồn từ nhà xe ở tầng 1. Thêm một thông tin đáng chú ý khác là lời kể từ nhân viên bảo vệ chung cư, người đầu tiên phát hiện vụ cháy và cố gắng dập lửa nhưng không thành công.
Theo người bảo vệ này, ông phát hiện vụ cháy từ các xe ở khu vực có ổ cắm điện và đã dùng bình cứu hỏa phun nhưng không dập tắt được lửa. Một số thanh niên sống trong chung cư cùng ông dùng bình chữa cháy phun nhưng lửa không tắt.
Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng thông tin từ người bảo vệ này cho thấy, không loại trừ khả năng đám cháy có liên quan đến pin lithium đang được dùng phổ biến cho các dòng xe máy điện trên thị trường.
Điểm nguy hiểm nhất là những viên pin lithium nếu cháy sẽ rất khó dập tắt bằng các loại bình cứu hỏa phổ biến hiện nay như bình bột và bình CO2. Lý do không thể dập tắt là vì pin xe điện cháy không cần oxy mà xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong viên pin gây cháy và nổ tung.
Thêm vào đó, pin lithium khi cháy rất nóng, nhiệt độ lên đến 600-700 độ C, vì vậy, nếu dùng nước để chữa cháy pin xe điện thì nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro và gây nổ.
Hiện chỉ có một vài loại bình chữa cháy gốc nước dùng công nghệ bọc phân tử mới có thể làm giảm thật nhanh nhiệt độ để dập tắt đám cháy pin lithium. Tuy nhiên, loại bình chữa cháy này chưa phổ biến và giá bán cao hơn các loại bình chữa cháy thông dụng khoảng 2-3 lần.
Mới khoảng một tháng trước khi xảy ra vụ cháy ở chung cư mini nói trên, báo điện tử VTV News của Đài truyền hình Việt Nam đã có một bản tin video quay cảnh thực nghiệm chữa cháy pin lithium của xe máy điện bằng bình chữa cháy bột và CO2. Kết quả cho thấy, sau khi phun hết một bình bột và một bình CO2, ngọn lửa từ pin vẫn không tắt (*).
Nguy hiểm như vậy nhưng hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn an toàn cháy nổ dành riêng cho pin xe điện. Đây là thời điểm cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần sớm triển khai ban hành quy chuẩn này, không thể để trễ hơn.
Ngoài ra, trong đợt kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy ở các chung cư mini và nhà trọ trên toàn quốc sắp diễn ra sau vụ cháy ở Hà Nội, cơ quan quản lý cần sớm quy định bắt buộc về an toàn điện cho khu vực sạc pin và bố trí khu vực cách biệt riêng cho xe máy điện tránh xa các lối thoát hiểm.
Cần tính đến việc bắt buộc các chủ nhà trọ, chung cư mini phải trang bị thêm loại bình chữa cháy có thể dập tắt được đám cháy pin lithium và bố trí ở gần khu vực xe máy điện. Ngoài việc trang bị này, tất cả nhân viên bảo vệ còn phải được hướng dẫn để nắm vững kiến thức về đặc tính cháy của pin xe điện và cách sử dụng loại bình đặc dụng để chữa cháy xe điện.
Ngoài ra, có thể vận động người dân có xe điện tự trang bị loại bình chữa cháy này. Với mức giá khoảng 600-700 ngàn đồng/bình chữa cháy (cỡ 2-3 lít), loại này cũng không phải quá sức chi trả của người dân.
Quan trọng nhất vẫn là việc cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, không để tái diễn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, chỉ tập trung kiểm tra vào thời điểm mới xảy ra các vụ tai nạn lớn, sau đó dần buông lơi.
Sau vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM hồi năm 2018 khiến 13 người chết, nhiều cuộc kiểm tra để siết chặt an toàn phòng cháy chữa cháy các chung cư, chung cư mini đã được tiến hành trên toàn quốc. Thế nhưng, vụ cháy với hậu quả thảm khốc ở Hà Nội mới đây cho thấy bài học Carina đã bị bỏ quên trong thời gian về sau.