Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ 4/5/2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng tình với thẩm quyền và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện.
Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ giảm giá điện. Nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá điện tăng từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
EVN cũng đồng ý với tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng một lần và mức tăng hoặc giảm giá điện bình quân trong khung giá do Thủ tướng quy định. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm do Bộ Công Thương chủ trì, trên cơ sở báo cáo chi phí sản xuất, tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã kiểm toán độc lập của EVN.
Cũng tại góp ý và dự thảo hiệu chỉnh, EVN đề nghị sửa phương pháp tính giá bán điện bình quân. Theo phương pháp Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.
Còn EVN đề nghị chi phí khâu "truyền tải điện" được đề nghị sửa thành "chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện" và bổ sung chi phí điều độ hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện. Việc này được cho là nhằm phù hợp với việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công Thương; cập nhật kịp thời các chi phí biến động cấu thành giá sản xuất điện trên thị trường.
Việc cơ chế biểu giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi trong 7 năm qua, theo các chuyên gia, đã bộc lộ những hạn chế, như cơ cấu điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào, đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Họ cũng đề nghị điều chỉnh cần kịp thời hơn, sửa cách tính để giá điện theo đúng tín hiệu thị trường.
"Cần cơ chế điều chỉnh giá để mang tín hiệu thị trường, khi đó mới nghĩ tới thị trường bán lẻ cạnh tranh", PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Cao đẳng Điện lực miền Bắc, nhận xét.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới và đánh giá kỹ tác động, để trình cấp có thẩm quyền xem xét.