Thu giữ lượng lớn sản phẩm thực phẩm đông lạnh không ghi nhãn và thông tin về nguồn gốc

Mới đây Đội QLTT số 9 phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang và Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Phan Hiếu Hà Giang, địa chỉ: 102 đường Nguyễn Du, tổ 13, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Kết quả kiểm tra, phát hiện 15 gói sụn lợn, 22 gói viên thả lẩu, 15 gói dồi sụn, 15 gói nem lụi, 18 gói cánh gà tẩm bột, 23 gói lõi vai bò, 33 gói ốc hương, 48 gói đùi gà, 24 gói chân gà, 67 gói chả cá, 18 kg mực khô. Đáng nói, trên bao bì sản phẩm thực phẩm này không ghi nhãn và các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, có tổng trị giá 29.495.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra Đại diện Công ty TNHH Phan Hiếu Hà Giang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa.

Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 9 đã tiến hành lập Biên bản kiểm tra để ghi nhận kết quả kiểm tra và xác định hành vi vi phạm “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”; đồng thời lập Biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Thịt viên, dồi sụn, nem lụi.. không ghi nhãn và thông tin về nguồn gốc được phát hiện tại Công ty TNHH Phan Hiếu Hà Giang. Ảnh Cục QLTT Hà Giang. 

Nói tới thực phẩm đông lạnh, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khi được đông lạnh, khác với thực phẩm tươi sống, người tiêu dùng khó tìm thấy bất cứ một dấu hiệu phân hủy hay ngửi thấy mùi chua, mùi hôi… hoặc sản phẩm đó mềm hay cứng. Cũng chính vì lí do này, nhiều người tiêu dùng chủ quan cho rằng khi chế biến chỉ cần nêm nếm đủ gia vị là sẽ át được mùi của thịt đông lạnh sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng rất nhiều người không biết rằng thực phẩm đông lạnh để quá lâu hoặc không đảm bảo chất lượng rất có hại cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu mới nhất tại Nigeria, thực phẩm đông lạnh có chứa độc tố gây ung thư. Đặc biệt là thịt đông lạnh, chúng chứa độc tố gây ung thư rất cao. Ngoài nguyên nhân do chất lượng thực phẩm kém, việc để đông lạnh quá lâu khiến cho thực phẩm bị phân hủy và “nhiễm” độc tố gây ung thư. Điều này chính là một trong các nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh ung thư trong thời gian gần đây.

Không chỉ sử dụng thực phẩm đông lạnh ngoài chợ mới có hại cho sức khỏe mà ngay cả việc mua và cất trữ đồ ăn đông lạnh quá lâu của nhiều bà nội trợ cũng vô cùng nguy hiểm. Có rất ít người biết rằng việc mua và sử dụng đồ đông lạnh để lâu, quá hạn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Bởi thực phẩm đông lạnh để quá lâu không những làm mất chất dinh dưỡng mà còn tích tụ chất vô cùng độc hại cho cơ thể; chúng chứa nhiều mầm mống gây bệnh trong đó bao gồm virus, vi khuẩn, các chất độc hại. Trường hợp nếu người sử dụng để thực phẩm đông lạnh trong tủ lạnh quá lâu, vi khuẩn còn làm phân hủy thức ăn. Vì thế, đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, tiêu chảy cấp… do ăn đồ ăn đông lạnh lâu ngày.

Quy định mới về ghi nhãn hàng hóa 

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.

Theo đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trước đây, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không điều chỉnh đối với hàng hóa xuất khẩu).

Đối với các loại hàng hóa đặc biệt như bất động sản; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản)… theo quy định tại khoản 2 Điều 1 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.

Quy định rõ hơn về những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước/vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Không được viết tắt tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/cong-ty-tnhh-phan-hieu-kinh-doanh-thuc-pham-dong-lanh-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-d214942.html