Nhiều học sinh bị ngộ độc do uống nước ngọt không rõ nguồn gốc bán tại cổng trường
Đồ ăn vặt, nước ngọt được bán tràn lan ở khắp các cổng trường học. Điều đáng nói mặt hàng này thường có giá rất rẻ nhưng chủ yếu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là nguy cơ dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc cho các em học sinh như vụ ngộ độc mới đây ở Cao Bằng.
Đặc biệt, những đồ uống bắt mắt, rẻ tiền ở cổng trường luôn hấp dẫn trẻ nhỏ. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh.
Thời gian gần đây, một số trường học ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh uống các loại nước ngọt rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ nước ngoài in trên nhãn mác nhưng không có nhãn mác bằng tiếng Việt.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lạc, chiều 21/9 có 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Cốc Pàng, xã Cốc Pàng bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và được đưa đến Trạm y tế xã điều trị. Trước đó, các em ra cổng trường mua chai nước ngọt có in chữ nước ngoài về uống, sau khi uống khoảng 30 phút xuất hiện các triệu chứng trên. May mắn được điều trị kịp thời nên sức khỏe đã ổn định.
|
|
Nhiều học sinh ngộ độc do uống nước ngọt có tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: SK&ĐS. |
Ngày 23/9, 24 học sinh của trường này tiếp tục mua loại nước ngọt nói trên về uống và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm y tế xã, trong đó có 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên TTYT huyện điều trị.
Trước đó ngày 7/9, 25 học sinh của Trường Tiểu học Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn kẹo, uống nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ mua ở cổng trường.
Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng.
Thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học, nếu được tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...Tuy nhiên nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm bẩn gây ra những hậu quả mạn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất là gây ung thư.
Đối với các loại nước ngọt trên thị trường chủ yếu là loại nước có gas, là nước đã được truyền khí carbon dioxide dưới áp lực tạo sủi bọt. Nước ngọt có gas thường được thêm đường, chất tạo ngọt, phụ gia, chất bảo quản, hương liệu để tăng hương vị và tạo màu sắc hấp dẫn. Do đó, loại thức uống này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em. Trên thực tế, ngay kể cả với các loại nước ngọt có gas được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn thì vẫn không tốt cho sức khỏe, thậm chí nguy hại nếu lạm dụng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt chứa rất nhiều đường và các năng lượng không cần thiết. Trong một chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói nhỏ đường dùng để pha cà phê. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến hàm lượng insulin trong cơ thể tăng vọt. Đồng thời gan cũng nhanh chóng biến đường thành chất béo. Đây là nguyên nhân khi thường xuyên uống nước ngọt có gas sẽ khiến chúng ta bị tăng cân, béo phì.
Uống nước ngọt nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc và khó kiểm soát các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, loãng xương các bệnh gan, ung thư... Đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ...
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, cách tốt nhất nên hạn chế sử dụng nước ngọt có gas. Nếu có sử dụng cũng chỉ nên uống tối đa một lon một ngày và không nên sử dụng thường xuyên. Uống một lon nước ngọt 300ml thôi cũng đã đủ nhu cầu về lượng đường đơn trong cả ngày, chưa kể mỗi ngày chúng ta còn ăn uống các loại thực phẩm chứa đường khác.
Khi mua các sản phẩm nước ngọt nên chọn mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm. Không nên ham rẻ mà chọn phải các loại nước ngọt kém chất lượng. Đặc biệt, không nên sử dụng các loại nước ngọt được bày bán ở các hàng quán ven đường, bán rong ở cổng trường để tránh mua phải các loại nước ngọt giả, nước ngọt kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của người nhập khẩu
Căn cứ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu
Theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa (Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP).
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.” (Điểm 4, Điều 9, Nghị định 111/2021/NĐ-CP).
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. (Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP).
Tại khoản 2, Điều 10; điều 15 Nghị định 111/2021/NĐ-CP thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt. Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.