Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội cao gấp 8 lần khuyến nghị của WHO

Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội - Hợp tác và Hành động" kêu gọi sự hợp tác cải thiện chất lượng không khí...

Các kết quả nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

leftcenterrightdel
 Ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội ngày càng gia tăng

Theo TS. Dương Hoàng Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và một số tỉnh chủ yếu do 4 nguồn khí thải: Phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt rác. Riêng phương tiện giao thông, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 6,5 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô lưu thông hằng ngày, do đó số phương tiện này phát thải lượng khí độc hại đáng kể.

TS. Hoàng Dương Tùng cho hay, ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở một số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, qua nghiên cứu cho thấy, bụi đường là một nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội. Vì vậy, việc khôi phục hoạt động rửa đường là rất quan trọng. Số liệu tổng hợp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã xảy ra từ hơn 20 năm trở lại đây, bắt đầu từ khi ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung dân cư về Hà Nội.

Năm 2003 - 2004, Hà Nội đã tiến hành đề tài nghiên cứu về ô nhiễm bụi, kết quả cho thấy ô nhiễm bụi đã xảy ra ở diện khá rộng. Số liệu sử dụng trong báo cáo này được lấy từ các trạm đo tự động, từ các đợt quan trắc công phu, không chỉ xác định nồng độ bụi mà còn phân tích, tính toán nồng độ các nguyên tố, các ion, các chất hydro carbon có trong các loại bụi kích thước nhỏ, dễ xâm nhập sâu vào cơ thể người như bụi PM10 (kích thước động học dưới 10mcm), bụi PM2,5 (kích thước động học dưới 2,5mcm).

Từ tháng 11/2023 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Dữ liệu quan trắc cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đo được trên các ứng dụng quan trắc liên tục xuất hiện chỉ số AQI cao với các màu nâu, đỏ, thậm chí là tím. Đáng nói, ở một số thời điểm, Hà Nội còn bị xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Chưa giám sát nguồn phát thải, chưa thể giảm được ô nhiễm

Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2030 bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm. Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường, cho biết thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí, đồng thời ban hành giải pháp giảm phát thải như: Di dời cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi nội thành, tăng cường tưới nước rửa đường, quản lý hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp...

leftcenterrightdel
 Lúc 7h, tại ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, nhiều người đi đường không nhìn thấy làn đối diện. Đèn đường vẫn bật sáng nhưng không thể xuyên qua màn sương dày đặc. (Ảnh: Ngọc Thành)

Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, báo cáo hiện trạng môi trường cho hay thành phố phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế. Trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện.

Theo thống kê, dân số Hà Nội gần 9 triệu, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô.

Theo chuyên gia, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí không chỉ riêng sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà cần sự chung tay của cả người dân. Mỗi người dân cần phải tự ý thức đối với từng hành động của mình để cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc không khí để có biện pháp chủ động giảm thiểu thiệt hại. Với những ngày ô nhiễm không khí từ ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời.

Ngoài ra, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Trường hợp cần ra khỏi nhà nên sử dụng khẩu trang có khả năng loại bỏ bụi mịn PM2.5. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Nguồn suckhoedoisong
Link bài gốc

https://suckhoedoisong.vn/bui-min-o-ha-noi-ngay-cang-nhieu-lam-gi-bao-ve-suc-khoe-169240412092243828.htm