|
|
Bánh giầy làng Gàu (Hưng Yên). |
Bánh giầy làng Gàu có nguồn gốc từ làng Gàu, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Không chỉ vào ngày lễ Tết hay dịp giỗ Tổ Hùng Vương, mỗi khi đến làng Gàu, bạn lại nghe thấy những âm thanh chế biến bánh rộn rã. Để tạo ra những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa, dẻo ngon, người dân làng Gàu rất cầu kỳ, khéo léo trong tất cả công đoạn từ đồ xôi, giã đến nặn bánh, tra nhân. Nước giếng làng Gàu vốn có tiếng sạch, trong và ngọt. Xưa nước giếng ấy được các thôn nữ gánh về ngâm với gạo nếp làng Gàu, nước giếng cũng được dùng để đồ xôi nặn bánh. Nay làng Gàu dần thay thế bằng những bể nước mưa trong vắt được hứng đậy cẩn thận. Do thế mà hương vị truyền thống món bánh không có gì thay đổi, vẫn giản dị, thơm ngon đặc biệt.
Chiếc bánh giầy vừa mới ra lò có màu trắng tinh còn phảng phất mùi vị thơm nồng của gạo và đỗ xanh. Người dân làng Gàu khéo léo đặt chúng giữa những thếp lá chuối xanh nõn của quê hương. Điều đó dường như khiến hương vị món bánh thêm quê kiểng, thơm nồng mùi hương và đặc trưng phong cách ẩm thực phố Hiến. Nguyên liệu chính để làm bánh khá đơn giản, chỉ là những hạt gạo nếp cái hoa vàng và đỗ xanh. Thế nhưng để có thể nặn được những chiếc bánh dẻo thơm, hấp dẫn như vậy, người làm bánh thường phải rất khéo léo và tỉ mỉ. Sau khi thu hoạch lúa về, người ta sẽ mang đi xay xát và lựa chọn những hạt gạo “đạt chuẩn”. Để làm bánh, hạt gạo phải chắc và mẩy. Những hạt gạo sâu hay lép đều sẽ bị loại ra ngoài.
Gạo nếp cái hoa vàng sẽ được ngâm vào nước sạch, đồ chín và mang đi giã thành mịn để nặn bánh. Công đoạn này đòi hỏi người làm bánh phải có lực giã vừa phải, không được quá mạnh nhưng cũng không được yếu vì bánh càng được giã kĩ sẽ càng mịn, càng ngon và sáng màu. Làm nhân bánh có lẽ là công đoạn cầu kỳ nhất khi chế biến những chiếc bánh giầy làng Gàu. Mặc dù chỉ là nhân đỗ xanh thế nhưng những hạt đỗ xanh phải đều và mẩn. Sau khi được ngâm nước ấm qua đêm, hạt đỗ sẽ mềm ra và được đem đi đãi sạch vỏ, hấp chín và giã đỗ cho đến khi sánh nhuyễn rồi nắm lại cùng dừa bào sợi.
|
|
Bánh giầy nếp cẩm, bánh giầy lá dứa, bánh giầy gấc. |
Điểm đặc biệt của bánh giầy làng Gàu có lẽ là hợp với cả người ăn chay lẫn ăn mặn. Nếu muốn có nhân bánh mặn, bạn chỉ cần xào chín thịt nạc băm và trộn cùng đậu xanh. Còn nếu là người ưa thích bánh ngọt, bạn sẽ thêm một chút đường trắng, dừa khô vào trộn cùng nhân đậu xanh để bánh có vị ngọt dịu là được. Sau khi chuẩn bị xong nhân và bỏ bánh, người làm bánh sẽ khéo léo đặt nhân vào vỏ rồi nặn thành những chiếc bánh trắng, dẻo mịn và thơm nức. Ngoài hình tròn hơi dẹt thì bánh còn được nặn thành hình thuôn dài và sau đó cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Không chỉ thưởng thức tại chỗ, bánh giày làng Gàu còn là một trong những đặc sản được nhiều người mua về làm quà cho gia đình, bạn bè mỗi khi có dịp đến Hưng Yên.
Chiếc bánh giầy trắng dẻo, thơm ngon trong thếp lá chuối xanh ấy được người dân xa gần nghe danh, tìm mua cho mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết, ngày lễ hay dịp ăn hỏi, đám cưới, nơi thôn quê hay hội nghị, bữa tiệc nơi thành phố sang trọng. Và đặc biệt, bánh giầy làng Gàu còn là một món quà dân dã thành kính dâng vua Tổ mỗi dịp mùng 10-3. Hiện nay, ngoài bánh giầy trắng truyền thống, nhiều gia đình còn sáng tạo làm bánh giầy nếp cẩm, bánh giầy lá dứa, bánh giầy gấc. Nhờ cách làm cầu kỳ, cẩn thận ở tất cả các công đoạn nên bánh giầy làng Gàu mang lại hương vị đặc trưng truyền thống riêng có.
Bánh giầy là món ăn truyền thống của người dân Việt ta. Ngoài làng Gàu, miền Bắc còn nổi danh với bánh giầy Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Nhưng mỗi nơi một vẻ, một hương vị, cũng giống như tấm lòng của người dân mỗi nơi dâng lên vua Tổ.