Bài viết theo tư vấn chuyên môn của BS.CK II Nguyễn Thị Ái Vân, Đơn nguyên Rối loạn cảm xúc, Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân đứng thứ ba trong các nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004, dự báo sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn và liên quan đến mức độ bệnh.

Rối loạn trầm cảm cũng liên quan tình trạng giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.

9 dấu hiệu cảnh báo rối loạn trầm cảm, gồm:

Khí sắc giảm: Biểu hiện là nét mặt của bệnh nhân luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm nghiêm trọng do người bệnh buồn, bi quan, mất hy vọng.

Mất hứng thú hoặc sở thích cho các hoạt động: Người bệnh mất hoàn toàn các sở thích vốn có.

Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân: Sự ngon miệng thường bị giảm sút, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn.

Rối loạn giấc ngủ: hay gặp nhất trong trầm cảm chủ yếu là mất ngủ, người bệnh thường than phiền khó vào giấc ngủ, ngủ hay tỉnh dậy và khó khăn trong việc tiếp tục ngủ lại hoặc thức dậy sớm hơn bình thường. Một số ít người bệnh ngủ nhiều hơn bình thường.

Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Các triệu chứng ức chế vận động nặng nề thường thấy như người bệnh nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì.

Giảm sút năng lượng: Người bệnh thường than phiền năng lượng bị giảm sút, họ bị kiệt sức và mệt mỏi, gần như không có sức để làm việc. Mệt mỏi thường nặng hơn về buổi sáng.

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Bệnh nhân cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì.

Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Nhiều bệnh nhân than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Người bệnh cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, họ thường phải cân nhắc rất nhiều thời gian với những việc thông thường.

Có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát: Khi người muốn tự sát thường có những biểu hiện như thường xuyên nói về tự tử, chết chóc, bận tâm đến cái chết; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; thể hiện cảm giác tuyệt vọng.

leftcenterrightdel
 Một bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Ảnh Lê Nga
Bệnh trầm cảm có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Một số phương pháp giúp cải thiện cảm xúc gồm tập thể dục, chế độ ăn lành mạnh, chia sẻ cùng người thân trong gia đình. Mỗi người cần học sống lạc quan, duy trì các sở thích riêng, tránh xa các chất kích thích và đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Nếu cảm thấy không giải quyết được vấn đề, cần đi khám ngay để giảm hệ quả.
Nguồn VnExpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/9-dau-hieu-canh-bao-tram-cam-4668381.html