Đặc trưng nhất của khu phố cổ là các phố làng nghề và những ngôi nhà cổ, mang đậm nét kiến trúc Việt Nam truyền thống. Ngày xưa, những người thợ thợ thủ công từ khắp các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long đều tụ tập về đây buôn bán, họ chia theo từng khu vực và tập trung chuyên bán các mặt hàng chính của làng nghề mình. Tên của các dãy phố phường nơi đây được đặt theo tên của sản phẩm buôn bán chính tại đó, cộng thêm chữ “Hàng” phía trước. Ví dụ như phố Hàng Bông vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm; phố Hàng Gà là nơi tập trung các cửa hàng bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây….
Phố HÀNG NGANG – Rue des Cantonnais Nguồn gốc tên gọi của phố Hàng Ngang vẫn chưa thực sự rõ ràng. Thời nhà Lê, người Hoa Kiều tập trung bán hàng chè, thuốc, nhà giàu có thì bán vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh. Về sau có thêm cửa hàng bán vải của người Ấn Độ. Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương thành Thăng Long. Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam.
Đến thế kỷ 19 có tên là phố Việt Đông, phố những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
|
|
Đây là ngã tư Phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Bạc – Hàng Bồ |
Thời Pháp thuộc tên phố là Rue des Cantonnais (phố người Quảng Đông), có đường tàu điện bánh sắt chạy qua giữa phố.
Phố HÀNG LƯỢC – Rue Sông Tô Lịch Phố Hàng Lược xưa chạy dọc sông Tô Lịch cũ nên có tên là phố Sông Tô Lịch. Khi không còn bến sông, người dân sống phụ thuộc vào chợ Đồng Xuân.
Đầu thế kỷ 19, các thương gia từ Ấn Độ và các nước Trung Đông đã đến miền Bắc Việt Nam để mua bán vải vóc và trao đổi tiền tệ. Theo thống kê, những năm 1830, có khoảng 1.000 người Ấn ở khu vực Đông Dương. Họ là nhóm thương gia giàu có và nắm giữ thị phần lụa, vải vóc lớn. Tại Hà Nội, nhóm người này sống tập trung ở khu Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, năm 1885, nhóm cộng đồng người Ấn từ Bombay (nay là Mumbai, Ấn Độ) đã quyên tiền để dựng Thánh đường Hồi giáo Al Noor. Công trình chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1890. Nhà thờ khá nhỏ, với diện tích khoảng 700 m2, nhưng những nơi thờ phượng được xây dựng theo phong cách Hồi giáo điển hình, với một mái vòm, cửa cong và tháp nhọn.
Phố HÀNG ĐÀO – La rue de la Soie Phố Hàng Đào từng được xem là con đường tơ lụa. Từ thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành một trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, xa xỉ.
Trong khoảng 100 năm, hình ảnh quen thuộc của phố Hàng Đào là tuyến đường sắt đi chính giữa lòng đường. Phố Hàng Đào có 2 dãy nhà cổ rất đẹp, cũng là nơi có nhiều hình ảnh nhất của Hà Nội được chụp đầu thế kỷ 20:
Phố HÀNG GAI – Rue de Chanvre Phố Hàng Gai nguyên là đất phường Đông Hà (nửa phố phía Đông) và phố Cổ Vũ (nửa phố phía Tây), đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.
Ở phố này có hai ngôi đình cổ: đình Đông Hà ở số nhà 46, thờ Quý Minh là một người con của Sơn Tinh, có công chống Thủy Tinh; đình Cổ Vũ ở số nhà 85 thờ Bạch Mã cùng Linh Lang. Tuy vậy hai ngôi đình này cho tới nay đã bị biến thành nhà tư và trường mẫu giáo.
Phố Hàng Gai đời xưa chuyên bán các thứ dây gai, dây đay, võng, thừng…Nhưng từ thế kỷ XIX, nghề in sách đã du nhập vào con phố này. Nhiều cửa hàng khắc ván, in sách và bán sách mở ra, đã đẩy các hàng bán dây gai lên phường Đông Thành, phố Bát Đàn.