Mặc dù phố Tràng Tiền không dài nhưng nó có một vị trí rất quan trọng, tương tự như đại lộ Nguyễn Huệ ở Sài Gòn. Nếu như Nguyễn Huệ nối tòa thị chính và nhà hát với bờ sông Sài Gòn, thì phố Tràng Tiền nối Nhà Hát Lớn tới bờ hồ Hoàn Kiếm. Đường Nguyễn Huệ có Thương Xá Tax thì phố Tràng Tiền có Tràng Tiền Plaza. Cả 2 đều là những tòa nhà lớn được xây từ đầu thế kỷ 20.
|
|
Trung tâm thương mại Grands Magasins Reunis thời Pháp thuộc, nay là Tràng Tiền Plaza |
|
|
Phố Tràng Tiền thập niên 1970, phía trước Nhà Hát Lớn |
Có rất nhiều hiệu sách và cửa hàng bách hoá lớn trên phố Tràng Tiền. Nửa đầu thế kỷ 20, không có con phố nào ở Hà Nội tập trung nhiều cửa hàng, hiệu buôn, hiệu thuốc, nhà hàng như ở rue Paul Bert, tức Tràng Tiền ngày nay. Nơi này có thể xem là khu phố Tây sầm uất với nét văn hóa đậm chất phương Tây được du nhập từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
|
|
Phố Tràng Tiền đầu thập niên 1950 |
Người đến mua sắm ở các cửa hàng trên con phố này đều là người giàu có, sành điệu và thời thượng. Những kiến trúc đẹp và quan trọng nhất mà Pháp xây ở Hà Nội đều tập trung ở phố này và khu vực lân cận.
Tên gọi Tràng Tiền xuất hiện từ thời vua Gia Long. Phố Tràng Tiền trước đó vốn là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long (tức là Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay) thông ra căn cứ Đồn Thủy và bến sông Hồng. Con đường này đi qua đất của ba thôn Tây Long, Thạch Tần, Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Khoảng năm 1808, vua Gia Long cho lập ra ở đây một xưởng đúc tiền, đặt tên là Bảo Tuyền Cục, dân gian quen gọi là Tràng Tiền. Ngày nay, Phố Tràng Tiền thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.
|
|
Phố Tràng Tiền lúc Pháp vừa mới chiếm được Hà Nội |
Ngày 20 tháng 11 năm 1873, Francis Garnier chỉ huy quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Sau trận chiến, dải đất dọc đê sông Hồng dài khoảng 1 km từ chỗ Bảo tàng Lịch sử trở xuống Viện Quân y 108 đã bị triều đình Huế cắt làm khu nhượng địa Đồn Thủy. Pháp xây doanh trại và bệnh xá trong khu này cùng một chiếc cổng ở chỗ Nhà hát Lớn bây giờ, đặt tên là Porte de France (Cổng Pháp quốc). Năm 1882, chiếm xong toàn thành Hà Nội, chính quyền thực dân lập quy hoạch đô thị, lấp sông Tô Lịch và xây công sở. Nằm ở số 1 Tràng Tiền ngày nay là bảo tàng thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (Musée Louis Finot – nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), được xây dựng cách đây tròn 100 năm, là nơi chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương.
Bảo tàng được xây dựng trên khu đất phía sau Nhà hát Lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Quai Guillemoto (nay là phố Trần Quang Khải), một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường ven đê.
Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn phong cách Châu Âu với phương Đông. Bên ngoài được sơn màu vàng đặc trưng với một sảnh chính trưng bày hình bát giác làm điểm nhấn.
Nằm ngay bên cạnh Bảo tàng là Nhà Hát Lớn Hà Nội, là công trình quan trọng nhất trên phố Paul Bert, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò là một trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật suốt hơn 1 thế kỷ qua.
|
|
Mít tinh trước quảng trường nhà hát lớn năm 1954 để phản đối chia đôi đất nước |
|
|
Không ảnh Nhà Hát Lớn, nhìn ra phía sông Hồng |
|
|
Ban đầu trước Nhà hát có tượng đài, nhưng đã không còn từ năm 1946 |
Trong các ảnh đường phố Paul Bert xưa, có thể thấy phía trước Nhà Hát Lớn, ngay góc phố Paul Bert và Boulevard Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay) có một tòa nhà có chóp hình củ hành:
Tòa nhà này được xây gần như cùng thời điểm với Nhà hát lớn, là cơ sở kinh doanh của H. CHARPANTIER, được ghi tên trên chóp toà nhà như hình bên dưới:
|
|
Liền kề với tòa nhà hình chóp là toà nhà cửa hiệu CHARRIERE & Cie (bên phải hình này), chuyên bán thực phẩm và rượu tây |