Xã hội hóa cần có giám sát

Vấn đề lạm thu luôn luôn xảy ra và lạm thu dưới hình thức XHH rất nhiều. Một sự việc tưởng như bình thường nhưng lại trở nên bất bình thường trong tình hình hiện nay, khi mà cứ vào đầu năm học, việc đóng góp các loại quỹ như quỹ trường, quỹ lớp… dù không được quy định nhưng đã trở thành thông lệ.

leftcenterrightdel
 Thực tế, có những thời điểm, Ban đại diện thu mà không nói với nhà trường, giáo viên. Vậy nên, bà Bùi Thị An đề nghị Hiệu trưởng phải vào cuộc khi dư luận phản ánh nhà trường có dấu hiệu lạm thu. Ảnh: Trần Hà

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII cho biết, lạm thu diễn ra trong nhiều năm, nhiều vùng, ở cả TP và nông thôn, dù Bộ GD&DT có ý thức chấn chỉnh nhưng chưa được như mong muốn. Vì đất nước ta chưa có đủ điều kiện đầu tư kinh phí đủ ngưỡng cho giáo dục nên XHH trong giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, XHH cái gì cần, hợp lý chứ không phải cái gì cũng XHH và đặc biệt, XHH phải có giám sát.

Đã hình thành một nhóm cứ cho rằng đó là sự tự nguyện của học sinh nhưng nhiều cử tri lại nhận định, sự tự nguyện đó có thể là sự ép buộc vì có những cái hợp lý, có thể thông qua Ban đại diện nhưng trách nhiệm nhà trường phải biết. “Phụ huynh thu những khoản nhà trường cần nên nhà trường phải biết, không được đổ trách nhiệm thu chi cho Ban đại diện, mà ở đây là trách nhiệm nhà trường, đứng đầu là Hiệu trưởng” – bà An cho hay.

Bà An đề nghị Bộ/Sở/Phòng GD&ĐT có rà soát báo cáo, đánh giá các khoản thu của trường trong phạm vi quản lý của mình, xem trường nào XHH đúng hướng, đúng mục tiêu vì chỉ có quản lý tại địa phương mới biết trường nào thu đúng, trường nào thu sai. PGS.TS Bùi Thị An nhận định, bên cạnh việc chỉ đạo các ngành dọc vào cuộc rà soát, đánh giá các trường trong phạm vi quản lý. Trên cơ sở có số liệu thống kế mới biết tỉnh nào làm tốt. Đặc biệt, các khoản phải minh bạch, công khai và cần công khai danh tính trường vi phạm thu chi. Chỉ có như vậy mới dứt điểm chuyện lạm thu.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh minh họa một buổi họp phụ huynh tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tieuhoctranquoctoan.edu.vn

Ở một góc độ nào đó, việc nhiều trường “gắn mác” tự nguyện, hoặc “đá” trách nhiệm sang Ban đại diện, rồi khi bị dư luận, báo chí phản ánh lạm thu thì nhà trường đã đổ lỗi cho Ban phụ huynh. Phải chăng, nhà trường đang mượn danh Ban phụ huynh để thu sai quy định?. Về điều này, vị nguyên Đại biểu Quốc hội này lại đánh giá cao vai trò của Ban phụ huynh. Theo bà, Ban phụ huynh hỗ trợ thêm cho nhà trường nhưng phải đúng mục tiêu hoạt động là thành lập Ban để hỗ trợ trường lớp, để tăng thêm hoạt động hữu ích nhưng phải bầu người có uy tín,trách nhiệm.

Phụ huynh “góp phần” làm cho vấn nạn lạm thu khó dứt

Việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết, đặc biệt khi ngân sách Nhà nước bị hạn chế. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam (Chuyên gia Tâm lý học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc quản lý và sử dụng các nguồn lực này phải được thực hiện một cách minh bạch, công bằng, và đúng đối tượng mục tiêu, vì quyền lợi của người học và không phân biệt đối xử. Nhưng nếu không làm từ tâm, đảm bảo những nguyên tắc trên thì sẽ dẫn đến mất niềm tin từ phụ huynh và cộng đồng…

Nếu phụ huynh tin rằng tất cả các nguồn tiền XHH chi chỉ vào cơ sở vật chất như cam kết thì họ sẽ không có thắc mắc gì. Vấn đề là họ tin việc chi cho cơ sở vật chất huy động từ phụ huynh có được quyết toán vào các khoản chi khác do ngân sách Nhà nước đã đầu tư, hay nhà trường lấy tiền ra làm việc khác không phục vụ trực tiếp cho con em họ. Như vậy, phụ huynh cũng phản ứng vì tình trạng năm nào cũng thu tiền điều hòa, máy chiếu, rèm cửa, tivi mà không thấy cái cũ đâu?

leftcenterrightdel
 PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: Nguyễn Liên

Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam, thì bản thân một số phụ huynh cũng đang “góp phần” làm cho vấn nạn lạm thu trở nên khó chấm dứt. Có nhiều người ngay từ đầu xác định, tham gia vào Ban phụ huynh đã tự mặc định sẽ trở thành cánh tay nối dài của nhà trường, của giáo viên, để mong con cái mình được quan tâm chú ý hơn. Chính họ cũng chủ động đề xuất nhiều khoản thu từ các phụ huynh khác mà không cân nhắc kỹ càng đến các yếu tố như có sự khác biệt về hoàn cảnh, áp lực tài chính với một số phụ huynh trong lớp, nguy cơ bị kỳ thị hay ứng xử bất bình đẳng giữa các gia đình và học sinh với nhau. Nhiều khi, họ đã mang ứng xử thương trường vào làm hư giáo viên.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, vấn đề là làm thế nào để các nhà trường không thể, không dám, không cần và không muốn lạm thu nữa. Phải tuyên chiến quyết liệt với việc lạm thu bằng việc công khai, minh bạch; Giáo dục nhận thức cho cộng đồng về những khoản được thu, không được thu (theo Thông tư 55) trên mạng xã hội, trên trang tin điện tử của các cơ quan quản lý, trang điện tử của nhà trường và thậm chí bảng thông báo vật lý trong không gian nhà trường. Bên cạnh đó, bổ sung các quy chế làm việc để chặt chẽ hơn, đảm bảo không thể lạm thu.

Phải tăng cường các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục một cách tương xứng, giám sát sử dụng một cách hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai. Phát hiện vi phạm phải xử phạt nghiêm minh.

“Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của người đứng đầu. Trường học xảy ra lạm thu thì Hiệu trường chịu trách nhiệm, thậm chí cán bộ quản lý cấp Phòng cũng chịu trách nhiệm liên đới” - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục bày tỏ.

Nguồn phapluatplus
Link bài gốc

https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/lam-thu-hay-xa-hoi-hoa-trong-giao-duc-d199432.html