Thời gian qua, câu chuyện nhiều người đã đổ về chùa Ba Vàng, TP Uông Bí (Quảng Ninh) để chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật hơn 2.600 năm tuổi được lưu giữ hàng ngàn năm tại Myanmar đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và nhanh chóng dấy lên nhiều tranh cãi.
|
|
Xá lợi tóc Phật đã tồn tại 2.600 năm. Ảnh: Fanpage Chùa Ba Vàng |
Trước những ồn ào, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại chùa Ba Vàng để có thông tin chính thức về sự việc.
Ngày 30-12-2023, theo nội dung đăng tải trên báo Giác ngộ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có văn bản đề nghị yêu cầu chùa Ba Vàng và Đại đức trụ trì gỡ bỏ ngay tất cả các giới thiệu về "xá-lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng" trên các trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Đến ngày 4-1-2024, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khu vực phía Bắc đã tổ chức phiên họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự T.Ư chủ trì để thảo luận về vấn đề trên.
Sau khi xem xét, căn cứ các thông tin, báo cáo, dư luận xã hội và tác hại của vụ việc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã họp, thống nhất biện pháp kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Cụ thể, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang.
Liên quan biện pháp kỷ luật, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết Giáo hội chấp nhận lời sám hối của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm.
"Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng đúng quy định của Giáo hội và pháp luật" - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Nhân vụ việc này, PLO đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang về những vấn đề xoay quanh vụ việc.
Làm sai lệch tinh thần Phật giáo
. Phóng viên: Câu chuyện về xá lợi tóc của Đức Phật tại chùa Ba Vàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Thậm chí đông đảo người kéo đến chiêm bái. Ông suy nghĩ như thế nào về câu chuyện này?
+ Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang:
Tôi thấy một số thông tin xung quanh câu chuyện xá lợi tóc Phật tại chùa Ba Vàng có dấu hiệu mê tín dị đoan.
Chúng ta phải quay trở lại quan điểm khởi nguồn của Phật giáo. Ban đầu, Phật giáo là hệ thống tư tưởng hướng con người đến việc tự tu sửa bản thân, để mỗi cá nhân nhận ra bản chất của nỗi khổ đau trong cuộc sống, từ đó họ sẽ ý thức hơn trong việc gia giảm những cái tham, sân, si và buông xả những vướng mắc để cuộc sống trở nên hạnh phúc và thanh thản nội tâm theo quan điểm của Phật giáo.
Phật giáo nguyên thuỷ vốn là một hệ thống tư tưởng, sau này có thêm vào những yếu tố văn hoá thì trở thành một hệ thống tôn giáo. Chúng ta phải hình dung rằng xá lợi Phật là một thứ rất bình thường trong môi trường tu tập của Phật giáo. Đó là phần vô cơ không thể tiêu huỷ được trong quá trình viên tịch của các vị sư.
Thông qua sự kiện tại chùa Ba Vàng, câu chuyện cần được nhìn ở đây là xá lợi giống như một biểu tượng cho thái độ tu tập nghiêm chỉnh của những người tu hành, vì vậy nó là một ước vọng hướng đến chứ không phải là một thứ thần thánh hay thứ làm cho con người đang đau khổ sẽ trở nên hạnh phúc ngay được.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng Phật tại tâm, có nghĩa là mỗi người phải xem tâm của mình đã hướng đến điều chân thiện mỹ chưa chứ không phải lấy một cái biểu tượng hay là một ngôi đền nào đó để tự cho rằng nó có thể cứu vớt cuộc sống của mình.
Vì thế chuyện cả hàng trăm nghìn tín đồ đổ về chùa Ba Vàng chỉ vì mục đích để chiêm ngưỡng hay để thần thánh hoá xá lợi tóc Phật theo tôi là không nên và có dấu hiệu của mê tín dị đoan.
|
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC |
. Tôi thấy vật được cho là xá lợi tóc còn được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Có thể thấy sự lợi dụng này đánh vào tâm lý mê tín dị đoan của nhiều người. Ông có nhận xét gì về điều này?
+ Bất kỳ một sự lợi dụng tôn giáo nào để trục lợi đều là hành vi đáng lên án và đáng phê phán. Bởi vì Phật giáo muốn con người ta thoát tục là bớt đi tính tham sân si, nhưng bây giờ đem một biểu tượng của Phật giáo ra để làm con người tham hơn, sân si hơn thì đã đi ngược lại mục đích tối thượng của Phật giáo.
Việc một tín đồ hướng về Phật giáo với nhiều hình thức khác nhau như chiêm bái, tự tu tập ở nhà hoặc người ta có thể ngưỡng vọng và thực hành về một tư tưởng của Phật giáo để sống tốt đời đẹp đạo thì đó mới chính là cốt lõi mà đạo Phật muốn phổ biến cho tất cả mọi người.
Còn vấn đề xem một hình thức nào đó của Phật giáo như xá lợi, đúc chuông, đúc tượng trở thành một yếu tố thần bí khiến cho con người ta bị mê si, đổ dồn của cải vào chỉ vì mục đích này thì đó không phải là câu chuyện tôn giáo nói chung và càng không phải là Phật giáo. Phật giáo không dạy con người ta lấy tham, sân, si này để góp vào cái tham sân si khác.
Cần có những giải pháp toàn diện
. Chưa biết là thật hay giả đối với xá lợi tóc Phật. Thế nhưng qua đó có thể thấy dù xã hội hiện đại nhưng sự mê tín của một bộ phận người vẫn còn hiện hữu, khiến cho Phật pháp bị lệch lạc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
+ Với môi trường thông tin dày đặc như thế này thì mọi yếu tố đều có thể kiểm chứng bằng khoa học.
Tuy nhiên chúng ta cần phải khẳng định luôn rằng không phải sự vật hiện tượng nào khoa học cũng có thể giải quyết được một cách triệt để, nó còn là niềm tin, sự cứu vớt về mặt linh hồn, tinh thần của những người đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng điểm tựa, niềm tin về tinh thần khác hoàn toàn về việc u mê.
Tôi tin tưởng Phật giáo như một công cụ khiến cho tôi nhận ra những sự thật cuộc sống, bớt tham sân si để cuộc đời bớt đau khổ chứ không phải Phật giáo là một thứ có thể cứu vớt mình đang từ một cái vũng lầy của một cuộc sống trở thành thăng hoa, vinh quang được. Điều đó, Đức Phật cũng không dạy.
Nhiều người đến với Phật giáo nói chung là đến với thiết chế Phật giáo đình, chùa, miếu… để cầu tài cầu an hay cầu vinh hoa phú quý thì điều này hoàn toàn đi ngược với Phật giáo bởi vì Phật giáo không cho con người ta tiền tài, địa vị… Phật giáo chỉ cho con người ta con đường để nhận ra cái đau khổ xung quanh, đau khổ trong chính bản thân mình để từ đó tự biết cách thoát ra, đó mới là cốt lõi tư tưởng của Phật giáo.
Trở lại câu chuyện chùa Ba Vàng, là người quan sát về mặt truyền thông và báo chí tôi thấy không phải đến bây giờ chùa Ba Vàng này mới là hiện tượng khiến dư luận xã hội trở nên xáo trộn. Trước đó rất nhiều lùm xùm liên quan đến tên của chùa Ba Vàng.
|
|
Đông đảo người dân đến chiêm bái |
. Vậy để cho người dân nhìn nhận được vấn đề trên thì những bên liên quan cần như thế nào?
+ Có lẽ là cần quan tâm đến bốn yếu tố.
Thứ nhất, đứng ở góc độ quản lý thì ban tôn giáo Chính phủ và ban tôn giáo ở các địa phương cần phải có một hoạt động tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò của tư tưởng Phật giáo trong đời sống hiện đại. Và giá trị của tư tưởng Phật giáo nó dừng lại ở mức độ nào.
Thứ hai, những vị trụ trì và hoà thượng của những ngôi chùa có tác động đến đời sống người dân, thì cần phải định hướng cho những đệ tử Phật giáo tuyên truyền đến người dân đến với chùa về giá trị cốt lõi trong tư tưởng Phật giáo nguyên thuỷ.
Đồng thời, những vị sư trụ trì, thông qua giác ngộ ở góc độ Phật giáo có thể dạy con người ta tu tỉnh và trở nên nhận thức sâu sắc hơn những rắc rối và bế tắc trong cuộc sống của họ.
Ban trị sự của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải tuyển chọn những vị Đại đức hoặc những vị sư trụ trì phải là người vừa có kiến thức về Phật giáo nguyên thuỷ nhưng đồng thời cũng phải là người không tư lợi về bất cứ một hoạt động chức sắc hay tiền tài gì thì lúc đó mới trả lại giá trị nguyên sơ của Phật giáo cũng như địa phương có ngôi chùa đó.
Thứ 3, người dân bây giờ thuận tiện hơn khi có sự hỗ trợ của các công cụ truyền thông, báo chí vì thế mà mỗi người dân cần phải tự thanh lọc mình bằng việc hiểu đúng và hiểu thấu về tư tưởng Phật giáo là gì.
Thứ 4, cần có sự chung tay vào cuộc của cả cơ quan chức năng và người dân trong việc phát hiện ra những ngôi chùa hay hành vi của những vị thiền sư, trụ trì… có dấu hiệu lệch chuẩn về tôn giáo, về đời sống văn hoá để lên án. Thậm chí có những chế tài để phạt những người đó.