Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Doanh nghiệp "quen mặt" ngành cầu đường
Công ty CP Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) tiền thân là Công ty CP phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, được thành lập năm 2004 do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT.
|
|
Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, công trình có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An (ẢNH: DOÃN HÒA) |
Thời điểm thành lập, công ty này có vốn điều lệ 3,9 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng hạ tầng giao thông. Sang giai đoạn 2011 - 2021, Tập đoàn Thuận An có nhiều lần tăng vốn.
Trong đó, năm 2014, vốn điều lệ được doanh nghiệp nâng lên 300 tỉ đồng. Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, ba cổ đông lớn góp vốn lớn nhất vào thời điểm này gồm: ông Nguyễn Duy Hưng góp 255 tỉ đồng, còn lại bà Nguyễn Thị Đoan Trang 39 tỉ đồng và ông Nguyễn Hải Kiêm 6 tỉ đồng.
Đến năm 2021, Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỉ đồng, tức gấp khoảng 200 lần khi mới thành lập và duy trì từ đó đến nay. Cùng với quá trình nâng vốn, Thuận An Group cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác thông qua các công ty con.
Theo đó, Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên xanh được lập năm 2011, chuyên lĩnh vực năng lượng sạch và ứng dụng công nghệ cao. Năm 2015, doanh nghiệp lập thêm Thuận An E&C với ngành nghề chính là thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Hưng còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng.
Dữ liệu từ chính doanh nghiệp và trên trang thống kê về đấu thầu cho thấy những năm gần đây, Tập đoàn Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp. Cụ thể, trên website Thuận An giới thiệu từng tham gia một loạt dự án cầu lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2...
Trong đó, dự án cầu Đồng Việt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư. Đây là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, vượt sông Thương nối với tỉnh Hải Dương. Thuận An là một trong hai liên danh tham gia dự án với giá trị thi công hơn 800 tỉ đồng.
Ngoài ra, Thuận An cũng nằm trong liên danh tham gia dự án cầu Sông Rút (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được khởi công từ 2015, có tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng. Ở dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, Thuận An góp mặt trong liên danh hai nhà thầu dự án.
Một dự án cầu khác Thuận An thi công là dự án cầu Kỳ Lộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh...
Thuận An còn tham gia với vai trò liên danh ở nhiều dự án khác, trong đó như gói thầu XL5: xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM (từ km 23+550 đến km 25+985); thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2; dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Trúng gần 40 gói thầu, kết quả kinh doanh ra sao?
Dưới vai trò một nhà thầu độc lập hoặc tham gia với tư cách thành viên liên danh, Thuận An hiện đã và đang tham gia thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An từng tham gia 51 gói thầu, trong đó trúng 39 gói thầu, trượt 8 gói và 4 gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỉ đồng. Trong số này, đáng chú ý có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu.
Các địa phương mà Thuận An từng tham gia đấu thầu dự án gồm: Hà Nội, Ninh Thuận, TP.HCM, Quảng Nam, Bắc Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn...
Dù trúng thầu nhiều dự án nhưng tình hình kết quả kinh doanh của Thuận An khá ảm đạm. Trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An ở mức 250 - 300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức vài trăm triệu đồng.
Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Thuận An đạt 301 tỉ đồng, sang đến năm 2018 sụt còn 258 tỉ đồng và mức 287 tỉ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt đạt được trong ba năm là: 17,7 tỉ đồng; 6 tỉ đồng và 14,7 tỉ đồng.
Lợi nhuận gộp không cao, sau khi gánh thêm các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận trước thuế giai đoạn từ 2017 - 2019 cao nhất chỉ được hơn 200 triệu đồng, còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng.