Đến cuối năm 2022, cả nước có 144 em mất cả cha lẫn mẹ, hơn 4.200 em mồ côi cha hoặc mẹ, đa số sống cùng gia đình hoặc người thân, họ hàng. Các địa phương căn cứ vào nguyện vọng của trẻ và người giám hộ để có kế hoạch trợ giúp phù hợp.

"Việc đưa trẻ vào nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Các em cần được ưu tiên chăm sóc bởi người thân, họ hàng thay thế cha hoặc mẹ đã mất", Ủy ban Văn hóa Giáo dục nêu quan điểm.

leftcenterrightdel
 Cậu bé Quang Khánh (Hà Nội) ngủ ngon lành trong ngày gia nhập trường Hy Vọng ở Đà Nẵng, trước thềm năm học 2022 - 2023. Quang Khánh cùng anh trai Quang Thành mồ côi cha vì Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Đông)

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 141.200 trẻ em mồ côi. Gần 83% trong số này đang sống trong môi trường gia đình và 17% tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Điều kiện vật chất tại nhiều cơ sở đã xuống cấp, có rất ít phòng riêng tư vấn tâm lý và thiếu trang thiết bị khiến chất lượng cuộc sống của trẻ bị ảnh hưởng.

Cơ quan của Quốc hội cho rằng dù đã có một số giải pháp hỗ trợ trẻ mồ côi, Việt Nam vẫn chưa có chương trình tổng thể quốc gia về chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chưa có chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi cha hoặc mẹ mà người còn lại bỏ đi làm ăn xa, lấy vợ, chồng khác, không nuôi dưỡng con cái.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng bộ ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch tổng thế để trình Chính phủ, ưu tiên các giải pháp chăm sóc thay thế trẻ mồ côi tại gia đình, cộng đồng thay vì cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo Nghị định 20/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng mỗi tháng, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022-2025. Mức chuẩn trợ giúp này là căn cứ xác định trợ cấp cho trẻ em mồ côi và nhiều nhóm nhận bảo trợ xã hội khác. Một số địa phương đã chi với mức cao hơn, như Quảng Ninh 500.000 đồng mỗi tháng, Bà Rịa - Vũng Tàu 450.000 đồng, Hải Dương 380.000 đồng.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 20 nâng mức chuẩn này lên, các địa phương tùy điều kiện bổ sung nhóm trẻ em cần trợ giúp và nâng mức hỗ trợ cao hơn 360.000 đồng so với quy định hiện hành. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đề xuất hai phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/gan-4-400-tre-mo-coi-sau-dai-dich-4670493.html