Giữa tháng 3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi chủ sở hữu của Trung Quốc và bán lại cho một pháp nhân được chỉ định tại Mỹ, nếu không nền tảng mạng xã hội này sẽ bị cấm hoạt động ở Mỹ.

Mới đây, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này. Số phiếu thuận thông qua dự luật cả ở Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đều áp đảo.

Sau khi được 2 viện thông qua, dự luật này sẽ được chuyển đến cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, người trước đó đã tuyên bố sẽ ký ban hành luật.

leftcenterrightdel
 TikTok nhiều khả năng sẽ phải bán lại cho một công ty tại Mỹ, nếu không sẽ bị "cấm cửa" tại quốc gia này (Ảnh minh họa: Getty)

Luật mới được thông qua này sẽ cho phép ByteDance, công ty mẹ của TikTok, thời hạn tối đa một năm để bán TikTok cho một công ty có trụ sở tại Mỹ, nếu không mạng xã hội này sẽ bị cấm và xóa bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ, hoặc 2 công ty sẽ bị phạt nặng.

Michael Beckerman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của TikTok tại khu vực châu Mỹ, khẳng định rằng công ty sẽ tìm mọi cách chống lại luật này tại tòa án để đảm bảo TikTok vẫn có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

"Vào thời điểm dự luật được ký để ban hành, chúng tôi sẽ đưa luật này lên tòa án để kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì luật này rõ ràng vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ", Michael Beckerman tuyên bố trong một thông cáo đưa ra.

Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo năm quyền tự do cơ bản cho tất cả công dân Mỹ, bao gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do tập hợp và tự do kiến nghị. Do vậy, Michael Beckerman cho rằng luật cấm TikTok vừa được 2 viện thông qua đã vi phạm quyền tự do sử dụng mạng xã hội của người dân tại Mỹ.

Vào tháng 5 năm ngoái, Thống đốc bang Montana Greg Gianforte đã ký luật cấm hoàn toàn TikTok ở bang miền bắc Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2024. Khi luật có hiệu lực, các kho ứng dụng dành cho smartphone và máy tính bảng sẽ không được cung cấp TikTok trong phạm vi bang Montana.

Tuy nhiên, trước khi lệnh cấm của chính quyền bang Montana có hiệu lực, thẩm phán Liên bang Donald Molloy đã phủ quyết lệnh cấm này, với lý do chính quyền bang Montana đã "vượt quá quyền hạn của bang và vi phạm Hiến pháp theo nhiều cách khác nhau". Cuối cùng, lệnh cấm TikTok của chính quyền bang Montana đã không thể có hiệu lực như dự kiến.

Giờ đây, người dùng TikTok tại Mỹ đang chờ đợi xem liệu lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Joe Biden có bị ngăn chặn bởi Tòa án Liên bang hay không. Theo một cuộc khảo sát, hiện 2/3 thanh thiếu niên tại Mỹ đang sử dụng TikTok.

Trước đó, ngay từ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ "cấm cửa" TikTok, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra. Thay vào đó, lệnh cấm TikTok chỉ được áp dụng với một số cơ quan chính phủ tại Mỹ.

Đầu tháng 3/2023, chính quyền tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại về bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp tại Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn TikTok khỏi quốc gia này.

Cả FBI lẫn Ủy ban Truyền thông Liên bang đã nhiều lần cảnh báo rằng ByteDance có thể truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ và chia sẻ dữ liệu này với chính quyền Trung Quốc.

Nguồn dantri
Link bài gốc

https://dantri.com.vn/suc-manh-so/my-chuan-bi-cam-tiktok-20240424232302381.htm