Nhà 'siêu mỏng' ở Hà Nội hết cơ hội tồn tại?
Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 61 quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 7/10/2024.
Theo quyết định trên, các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở, thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m², kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m.
Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng sẽ không được tồn tại. Đối với đất khác, thửa đất sau khi thu hồi có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50m2 không đủ điều kiện tồn tại.
UBND TP cũng quy định rõ điều kiện hợp thửa cho các mảnh đất không đủ điều kiện tồn tại. Thời gian thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất quy định nêu trên là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp và 90 ngày đối với đất nông nghiệp, kể từ ngày UBND cấp huyện ban hành Thông báo thu hồi đất.
Trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất theo quy định do xét thấy không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì trình tự, thủ tục thu hồi đất và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
Nhan nhản nhà siêu mỏng, siêu méo
Trên thực tế, tình trạng những căn nhà có diện tích siêu mỏng sau khi thu hồi đất làm đường vẫn là vấn đề nhức nhối ở các thành phố lớn.
Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều phần đất sau khi thu hồi chỉ có chiều sâu 0,5m nhưng có mặt tiền dài, sau đó được xây dựng tạo thành nhà siêu mỏng. Nhiều mảnh đất sau thu hồi có hình tam giác với 3 cạnh, chiều sâu 2m nhưng nơi nông nhất chỉ 30cm, chủ đất xây lên tạo thành nhà siêu méo. Tình trạng những ngôi nhà có mặt tiền rất nhỏ chỉ 1 - 2 m là không hiếm tại Hà Nội.
|
|
Căn nhà 1m mặt tiền lọt thỏm giữa hai căn nhà cao tầng hai bên ở đường Xã Đàn (Q. Đống Đa). |
|
|
Nhà 'siêu dị' 4m2 giữa Hà Nội, trả 1 tỷ/m2 không bán |
|
|
Ngôi nhà hình tam giác trên đường nối từ khu đô thị Đồng Tàu đến đường Tam Trinh (Q. Hoàng Mai) |
|
|
Những góc nhà hình tam giác không khó tìm trên những con phố trọng điểm Hà Nội, nơi 'tấc đất tấc vàng'. |
Để xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo nhiều năm qua chính quyền sở tại đã ban hành hàng loạt văn bản, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông.
Chẳng hạn, năm 2016, UBND TP ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND, trong đó nêu rõ chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Năm 2022, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện này ở hai bên đường, nhất là với những tuyến phố mới, các dự án mở đường. Thế nhưng, tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông, làm mất mỹ quan đô thị.