Sáng 16/8, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay năm học 2022-2023, toàn ngành đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. GD-ĐT Thủ đô cũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022.
Sự chuyển biến tích cực của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua diễn ra đều khắp ở các cấp học, các trường công lập và ngoài công lập.
|
|
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Đình Mạnh |
Song, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhìn nhận còn những hạn chế, tồn tại. Một trong số đó là công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập; một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT còn chưa cao. Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành vẫn còn khiêm tốn.
Do đó, theo ông Cương, một trong những nội dung, nhiệm vụ công tác được Sở GD-ĐT Hà Nội xác định trọng tâm thực hiện ở năm học 2023-2024 là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học.
“Trong năm học vừa qua, một số trường công lập, vấn đề liên quan tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến rất tốt. Tuy nhiên còn một số trường tư thục công tác tuyển sinh trực tuyến vẫn còn hạn chế.
Do đó, bắt đầu từ năm học này, TP Hà Nội kiên quyết và quyết tâm triển khai thực hiện công tác tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, kể cả trường công lập và trường tư thục, để đảm bảo tính công bằng, công khai, tránh phiền hà như thời gian vừa qua”, ông Cương nhấn mạnh.
|
|
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hùng |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị năm học mới 2023-2024, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục.
Đặc biệt, Giáo dục TP Hà Nội cần chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh dạy-học, kiểm tra-đánh giá; đảm bảo hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
“Năm học mới, rất nhiều việc phải làm, song đề nghị trong công tác tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng.
Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước mà còn như thế là việc không nên. Dứt khoát trong năm tới, không được còn hiện tượng này. Giám đốc Sở GD-ĐT đã rất quyết tâm nên tôi nghĩ chắc chắn thực hiện được”, ông Sơn nói.
Năm học 2022-2023, Hà Nội đã xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp (trong đó 1 trường trực thuộc Sở GD-ĐT quản lý, 23 trường thuộc UBND quận, huyện quản lý); cải tạo, sửa chữa 528 trường (42 trường thuộc Sở GD-ĐT quản lý, 486 trường thuộc UBND quận, huyện quản lý). Tháng 6/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,4%.
Đến thời điểm này, toàn thành phố đã công nhận 23 trường chất lượng cao, trong đó, 17 trường công lập (7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS và 2 trường THPT) và 6 trường ngoài công lập.
Hà Nội cũng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha.
Năm học 2023-2024, Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội (tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước), với 66.138 lớp (tăng 1.919 lớp so với cùng kỳ năm trước) và có 2.222.246 học sinh (tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước).
Thủ đô có 124.493 giáo viên (tăng 1.525 giáo viên so với cùng kỳ năm trước) và 66.110 phòng học (tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước).