|
|
Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa lần thứ 4 trong 10 năm (Ảnh Phát Tiến) |
Chính phủ Mỹ đang tiến gần nguy cơ bị đóng cửa trong bối cảnh các nghị sĩ khó đạt được thỏa thuận ngân sách trước cuối tuần này do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23-9 cho rằng một số thành viên "cực đoan" của đảng này phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bế tắc hiện nay. Theo Reuters, ông Joe Biden thúc giục các nghị sĩ có những bước đi tức thì để ngăn kịch bản trên xảy ra.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc lại thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại quốc hội và chính quyền ông vào tháng 5 nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Cụ thể, theo thỏa thuận này, các ưu tiên về đối nội và an ninh quốc gia sẽ được cấp ngân sách trong lúc thâm hụt ngân sách sẽ được giảm 1.000 tỉ USD trong 10 năm tới.
"Giờ đây, một nhóm nhỏ thành viên cực đoan của Đảng Cộng hòa không muốn làm theo thỏa thuận nên mọi người ở Mỹ có thể buộc phải trả giá" - ông Joe Biden nhận định.
|
|
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy chịu nhiều sức ép khi chính phủ đang tiến gần nguy cơ bị đóng cửa Ảnh: REUTERS |
Cuộc bỏ phiếu ngân sách ở quốc hội thường biến thành cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Mỗi đảng đều dựa vào kịch bản chính phủ đóng cửa để tìm kiếm sự nhượng bộ từ đảng còn lại cho đến khi hai bên đạt được giải pháp vào phút chót.
Lần này, bế tắc lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỉ USD cho Ukraine.
Hạn chót để các nghị sĩ đạt thỏa thuận về dự luật chi tiêu nhằm tránh kịch bản chính phủ đóng cửa là nửa đêm 30-9 (giờ địa phương). Ngoài yếu tố thời gian gấp rút, việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang lần lượt kiểm soát Hạ viện và Thượng viện với thế đa số sít sao càng khiến mục tiêu trên khó thành hiện thực.
Việc đóng cửa chính phủ xảy ra khi quốc hội không thể thông qua một số luật ngân sách liên bang được tổng thống ký ban hành sau đó. Theo AP, các nhà lập pháp có nhiệm vụ thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan trong chính phủ nhưng tiến trình này tốn nhiều thời gian. Họ thường phải thông qua nghị quyết gia hạn tạm thời để cho phép chính phủ duy trì hoạt động.
Nếu quốc hội không cấp kinh phí cho năm tài chính mới bắt đầu từ ngày 1-10, hàng triệu nhân viên liên bang sẽ không được nhận tiền lương trong thời gian chính phủ đóng cửa. Trong khi đó, các cơ quan liên bang sẽ ngưng mọi hoạt động được xem là không thiết yếu và nhiều dịch vụ bị gián đoạn.
Các nhân viên được coi là thiết yếu, như kiểm soát viên không lưu và nhân viên thực thi pháp luật, vẫn phải làm việc nhưng các nhân viên liên bang khác sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời.
Dù nhấn mạnh việc cấp ngân sách cho chính phủ là trách nhiệm của quốc hội nhưng Nhà Trắng cũng yêu cầu các cơ quan liên bang sẵn sàng cho kịch bản không hay nói trên. Theo tờ Financial Times, việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong thời gian dài đe dọa tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào thời điểm họ lo ngại suy thoái có thể đang đến.