Thông tin nhạy cảm đầu tiên, Eximbank thừa nhận có dự kiến di dời trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội nếu như sắp tới đây được đa số cổ đông ủng hộ. Eximbank hoạt động ổn định ở TP.HCM hơn 30 năm với phần lớn nhân sự sinh sống ở địa phương này và đến cuối năm 2023, ghi nhận có 16 chi nhánh hoạt động ở TP.HCM trong khi ở Hà Nội chỉ có 6 chi nhánh.

Cuối tháng 11 năm nay, Eximbank dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên tại Hà Nội để thông qua việc di dời trụ sở và nếu được 51% cổ đông biểu quyết thông qua thì Eximbank sẽ di dời trụ sở chính ra Hà Nội hoạt động.

Việc di dời trụ sở chính đến đâu để hoạt động được thuận tiện là hoạt động bình thường của một doanh nghiệp nói chung và của Ngân hàng Eximbank nói riêng. Nhưng điều bất thường khiến các cổ đông, những người đang sở hữu cổ phiếu Eximbank, đặc biệt là tầng lớp người lao động, những công nhân có thu nhập thấp, chắt chiu từng đồng lương nhọc nhằn để mua một ít cổ phiếu Eximbank (EIB) mong kiếm lời, cảm thấy lo ngại vì hoạt động phức tạp, mất ổn định trong chính nội bộ Eximbank sẽ khiến giá cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán cũng thất thường kéo theo và điều này làm tăng rủi ro cho những người đang sở hữu cổ phiếu. Và thêm nữa, người lao động thuộc trụ sở chính tại TPHCM cũng băn khoăn, lo lắng về công ăn việc làm, về sự ổn định gia đình và nhiều hệ lụy khác...

Chưa thấy một ngân hàng nào trong một thập kỷ mà thay đổi chủ tịch HĐQT đến 9 lần như Eximbank, có thời điểm chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã thay đổi 3 chủ tịch. Thời điểm căng thẳng nhất là cuối tháng 4/2016, một số lãnh đạo Eximbank bất ngờ từ nhiệm, cổ đông không tìm được tiếng nói chung khiến ngân hàng này hủy đại hội cổ đông nhiều lần và không tổ chức thành công đại hội.

Thời điểm "bùng nổ gay gắt" đáng kể nữa là vào đầu năm 2019, đó là thời điểm bà Lương Thị Cẩm Tú - cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á - được bầu vào ghế Chủ tịch Eximbank đã vấp phải những tranh cãi từ người tiền nhiệm bị bãi nhiệm lúc bấy giờ là ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc cho rằng cuộc họp liên quan đến việc quyết định chủ tịch mới được tiến hành trái quy định. Tuy nhiên, lập tức Eximbank phủ nhận cáo buộc của ông Lê Minh Quốc đồng thời khẳng định cuộc họp của HĐQT để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú đúng quy định theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ của Eximbank.

Có nhiều biến động nữa xảy ra tại Eximbank mà người ta gọi nó là một thập kỷ rối ren khi các cổ đông không tìm được tiếng nói chung, vào ra liên tục và cuối cùng, đến tháng 4/2024, Eximbank cũng có được Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Cảnh Anh, người từng có nhiều năm kinh qua các vị trí ở các tập đoàn lớn như Vingroup, Viettel, các định chế tài chính lớn như Techcombank, EVN Finance.

Biến động về chiếc ghế chủ tịch cũng gắn liền với biến động về cổ đông lớn của Eximbank. Sau thời gian biến động, cơ cấu cổ đông lớn của Eximbank cũng có sự thay đổi, nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Eximbank hiện nay là một Tập đoàn có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng với 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 10% vốn điều lệ của Eximbank. Cổ đông lớn thứ 2 là một Ngân hàng, sở hữu 4,51% vốn, có trụ sở hoạt động tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; ngân hàng này đã từng nắm giữ cổ phần hơn 8,19% vốn Eximbank nhiều năm liền nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,51% theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước.

Cả hai cổ đông lớn của Eximbank có trụ sở hoạt động ở Hà Nội, nên việc Eximbank mong muốn dời trụ sở hoạt động chính ra Hà Nội cũng không có gì khó hiểu. Biến động lãnh đạo, biến động trụ sở là chuyện sắp xếp và hoạt động nội bộ. Nhưng đối với những người đang nắm giữ cổ phiếu EIB, người lao động đang sinh sống, làm việc ổn định hàng chục năm nay ở TPHCM, thì đó lại là một bất thường đáng lo ngại.

Bất thường hơn nữa khiến những người đang nắm giữ cổ phiếu cảm thấy lo ngại khi mới đây, thị trường xuất hiện lá đơn kiến nghị gửi đến các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank".

Trước thông tin đó, Eximbank đã lập tức thông cáo khẳng định đây là tài liệu chưa xác thực, không rõ nguồn gốc, việc phát tán ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín hoạt động của Eximbank và đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác.

Cổ phiếu EIB của Eximbank đã giảm từ mức 19.100 đồng/cổ phiếu xuống mức 18.250 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 4,45% ngay sau khi xuất hiện tài liệu trên mạng xã hội. Rất nhiều nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu EIB đã đặt câu hỏi: Tại sao trong thông cáo của mình, Eximbank hoàn toàn không hề đề cập, cũng không khẳng định những nội dung lan truyền đó là đúng hoặc sai? Và họ có cơ sở khi cho rằng, điều cần nhất đối với hoạt động của một tổ chức có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính là thể hiện tính minh bạch đúng sai về mặt thông tin khi có dư luận xôn xao, tạo sự an tâm cho những người đang nắm giữ cổ phiếu chứ không phải là "nhờ cơ quan chức năng làm rõ động cơ việc phát tán tài liệu hoặc tài liệu không xác thực, không rõ nguồn gốc" như Eximbank đang tiến hành.

Không thể mang hơi thở của quyền lực thông tin và quyền lực của mối quan hệ để phả vào những người đang sở hữu cổ phiếu của Eximbank và những người đang mong muốn làm minh bạch thông tin cho cổ phiếu EIB. Một khi cổ phiếu đã lên sàn, doanh nghiệp chỉ "dọa" được nội bộ, còn tham vọng "chụp mũ" những người bỏ tiền mua cổ phiếu bằng những thông cáo tiềm ẩn những khỏa lấp của quyền lực, thật sự khiến người lao động, những công nhân đang có cổ phiếu EIB trong tay, quá quan ngại.

Nguồn laodongcongdoan
Link bài gốc

https://laodongcongdoan.vn/eximbank-nen-minh-bach-thong-tin-hay-la-truy-tim-dong-co-xau-107686.html