Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sự thay đổi liên tục về cấu trúc xương. Chiều cao của trẻ tăng thêm 25 cm khi tròn một tuổi. Trong 2 năm tiếp theo, chiều cao tăng trung bình 10 cm mỗi năm. Từ 3 tuổi đến giai đoạn dậy thì, mỗi năm trẻ cao thêm khoảng 5-6 cm. Khoảng 2 năm trước dậy thì là giai đoạn tăng vọt về chiều cao, khoảng 8-12 cm. Ở giai đoạn sau dậy thì, tốc độ tăng chiều cao chững lại, tăng rất chậm và dần đạt chiều cao khi trưởng thành.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lương Thị Thu Hiền - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bên cạnh yếu tố di truyền, yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến sự hạn chế phát triển chiều cao của trẻ như: tình trạng dinh dưỡng và các hoạt động thể lực.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Theo Tiến sĩ Hiền, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Trẻ thiếu dinh dưỡng thường không cao lớn bằng bé có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Chế độ ăn thiếu cân bằng khiến trẻ không nhận đủ protein năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết để phát triển. Trong đó, protein và khoáng chất (canxi, phospho, magie,...) đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển của xương. Cha mẹ có thể bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, trứng, rau xanh đậm... Một số thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, bông cải xanh, cải xoăn, đậu tương, cam...

Thiếu ngủ

BS.CKII Dương Thùy Nga, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ một trong những yếu tố phổ biến hiện nay cản trở sự phát triển chiều cao của trẻ là ngủ không đủ giấc. Trẻ thường ngủ muộn và dậy sớm. Hai thời điểm cơ thể giải phóng ra lượng hormone tăng trưởng nhiều nhất, cao gấp 5-7 lần ban ngày là từ 21h đến 2h sáng hôm sau và từ 5h đến 7h giờ sáng. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ trước 21 giờ và thức dậy sau 7 giờ sáng.

Ngủ muộn và dậy sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ. Ngủ không đủ giấc trong một thời gian dài có thể cản trở sự phát triển, gây ra vấn đề sức khỏe khác, làm giảm khả năng tập trung, học hỏi và tham gia các hoạt động trong cuộc sống của trẻ.

leftcenterrightdel
 BS.CKII Dương Thùy Nga thăm khám cho trẻ tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: BVCC

Ít vận động

Trẻ thường dành nhiều thời gian học tập ở lớp, học thêm sau khi tan học hoặc chơi game, xem tivi, điện thoại... Điều này ảnh hưởng nhiều đến thời gian vui chơi, vận động. Vận động đúng cách giúp tăng cường sức khỏe của xương, các mô cơ.

Bác sĩ Thùy Nga cho hay, trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao thì vận động là yếu tố kích thích cơ thể sản sinh ra hormone tăng trưởng (GH) mạnh mẽ nhất. Các nghiên cứu cho thấy, nếu bé chỉ chơi thể thao hay vận động trong một buổi tập thì hiệu quả tăng trưởng hormone GH sẽ biến mất ngay sau 24h tập luyện. Tuy nhiên, nếu bé được vận động thường xuyên và điều độ thì hiệu quả sản sinh hormone tăng trưởng chiều cao sẽ gia tăng và duy trì ổn định suốt 24h sau đó. Do đó, trẻ cần vận động tối thiểu 60 phút mỗi ngày.

Lạm dụng thuốc

Trẻ mắc bệnh bất thường bẩm sinh, bệnh mạn tính (bệnh thận, gan mật, tim mạch...) thường chậm tăng trưởng. Một số loại thuốc khi sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng phù hợp, tránh lạm dụng thuốc.

Các rối loạn di truyền bẩm sinh

Các bất thường di truyền bẩm sinh (nhiễm sắc thể, gene) có thể làm cho trẻ chậm tăng trưởng. Một số các bệnh lý di truyền hiếm đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều cao của trẻ như: bệnh loạn sản xương-sụn bẩm sinh (gây ra bởi đột biến trên gen FGFR3). Hội chứng Turner gây ra bởi một nhiễm sắc thể X bị thiếu hoặc bất thường, làm cho trẻ bị lùn và chậm dậy thì.

Hormone và rối loạn nội tiết

Tiến sĩ Hiền chia sẻ, các hormone đóng vai trò quan trọng cho quá trình điều hòa phát triển cơ thể. Sự tăng trưởng bao gồm hormone tạo ra từ tuyến yên (GH), hormone tuyến giáp, hormone tuyến sinh dục (testosterone và estrogen)... Bất thường của các hormone này đều làm thay đổi sự phát triển, tăng chiều cao. Mất cân bằng nội tiết tố như thiếu hormone tăng trưởng hoặc hormone tuyến giáp khiến trẻ thấp hơn dự kiến nếu không được điều trị.

Mặc dù chiều cao của trẻ phần lớn được xác định trước bởi DNA nhưng lối sống, cách chăm sóc của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh việc bổ sung nguồn dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám định kỳ giúp xác định tình trạng sức khỏe. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao ở trẻ.


Nguồn VnExpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/nhung-nguyen-nhan-lam-han-che-chieu-cao-cua-tre-4622087.html